Thách thức trên 2 mặt trận của Nga vì bất ổn ở Kazakhstan

Các chuyên gia cho rằng Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn ở nước láng giềng và phải đối phó với thách thức chiến lược trên hai mặt trận.

Theo Thời báo Moscow (themoscowtimes.com) ngày 6/1, các chuyên gia cho rằng việc Nga triển khai quân đội, trong khuôn khổ lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) nhằm hỗ trợ nước láng giềng Kazakhstan ổn định tình hình, sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại và đối nội của Moscow.

Binh sĩ được triển khai tại quảng trường chính, nơi hàng trăm người biểu tình chống lại chính phủ ở Almaty, Kazakhstan. Ảnh: Reuters

Binh sĩ được triển khai tại quảng trường chính, nơi hàng trăm người biểu tình chống lại chính phủ ở Almaty, Kazakhstan. Ảnh: Reuters

Nhà nghiên cứu chính trị Andrei Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), một tổ chức tư vấn có quan hệ với Điện Kremlin cho biết: “Hiện tại, nếu trình trạng bất ổn tại Kazakhstan kéo dài và lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO phải ở đó lâu, ảnh hưởng đối với Nga có thể tăng lên".

Việc Nga triển khai 3.000 lính dù được đưa ra sau khi Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev chính thức đề nghị sự hỗ trợ từ CSTO, một liên minh quân sự thời hậu Xô Viết do Nga dẫn đầu. Ông Tokayev cho biết bước đi này là cần thiết để chống lại "mối đe dọa khủng bố" sau khi các cuộc biểu tình bạo lực lan rộng trên toàn quốc và khiến hàng chục người thương vong.

Cùng với Nga, các quốc gia thành viên CSTO khác như là Armenia, Belarus, Kyrgyzstan và Tajikistan cũng gửi nhân sự tới Kazakhstan, một cường quốc quan trọng trong khu vực có nguồn năng lượng lớn và là thành viên sáng lập của Liên minh Kinh tế Á - Âu, khối thương mại khu vực cũng do Nga đứng đầu.

Đối với nhiều nhà quan sát Nga, bất ổn bất ngờ bùng nổ ở Kazakhstan, một quốc gia được cho là ổn định chính trị, cho thấy cần thiết phải có sự can thiệp của CSTO để duy trì ổn định. “Tôi không nghĩ có lựa chọn nào khác ngoài việc can thiệp. Song điều quan trọng đây nên là một hoạt động ngắn, có giới hạn thời gian và chúng tôi không bị cuốn sâu vào”, ông Tokayev nhận định.

Nhưng cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan diễn ra vào thời điểm khó xử đối với Nga. Căng thẳng với phương Tây đang leo thang vì vấn đề Ukraine. Khi có thông tin về tình trạng bất ổn lan rộng khắp Kazakhstan hôm 4/1, một số phương tiện truyền thông ủng hộ Điện Kremlin đã gọi các sự kiện này là "Maidan", đề cập đến cuộc cách mạng màu năm 2014 ở Ukraine dẫn đến mối quan hệ căng thẳng với Nga, đồng thời cáo buộc phương Tây gây ra những bất ổn trước cuộc đàm phán Mỹ-Nga dự kiến diễn ra trong tháng này. Tổng thống Tokayev cũng tuyên bố rằng Kazakhstan đang bị “tấn công từ bên ngoài” bởi “các nhóm khủng bố”.

Trong bối cảnh tình hình khu vực diễn biến phức tạp với nhiều thách thức, phần lớn năng lực ngoại giao của Nga đang hướng đến các cuộc đàm phán với Mỹ về an ninh, thì rõ cuộc khủng hoảng Kazakhstan là một sự kiện bất ngờ, không mong muốn đối với Moskva.

Chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại Alexander Baunov thuộc Trung tâm Carnegie Moskva, viết trên Twitter: “Điện Kremlin đang bị phân tán và phải kiểm soát sự bất ổn chiến lược trên hai mặt trận”.

Đối với một số chuyên gia, nguy cơ lớn nhất là Nga bị cuốn vào bất ổn nội bộ của Kazakhstan. Với việc Nga ủng hộ Chính phủ Kazakhstan hiện nay, chuyên gia Kortunov lo ngại chủ nghĩa dân tộc Kazakhstan ngày càng gia tăng và phá vỡ sự cân bằng sắc tộc mong manh ở nước này. Ông Kortunov lưu ý sự can thiệp trước đây của Nga vào các nước hậu Xô Viết từng chứng kiến các quốc gia thân thiện có những bước đi phản kháng. Do đó, nguy cơ gia tăng tư tưởng bài Nga ở Kazakhstan, dọc theo biên giới với Ukraine hoặc Gruzia là không thể loại trừ”.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan cũng có khả năng ảnh hưởng đến tình hình chính trị nội bộ của Nga.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thach-thuc-tren-2-mat-tran-cua-nga-vi-bat-on-o-kazakhstan-20220107162328234.htm