Thách thức trong công tác cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau động đất

Số người thiệt mạng trong trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đến nay đã tăng lên trên 41.000 người và con số này tiếp tục tăng lên từng giờ khi lực lượng cứu hộ đã tìm thấy nhiều người bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Người đàn ông ngồi trên đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy ở Atareb, Syria. Ảnh: AP

Người đàn ông ngồi trên đống đổ nát của một tòa nhà bị phá hủy ở Atareb, Syria. Ảnh: AP

Theo tờ CNA, cho đến nay, không ai biết có bao nhiêu người vẫn đang mắc kẹt dưới đống đổ nát. Ông Ovgun Ahmet Ercan, chuyên gia về động đất của Thổ Nhĩ Kỳ, nói với The Economist rằng ông ước tính có ít nhất 180.000 người, thậm chí hơn thế nữa, bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, gần như tất cả đã thiệt mạng.

Sáng 9/2, một đoàn xe của Liên hợp quốc đã tiếp cận miền Bắc Syria - một ngày sau thời điểm được coi là 72 giờ quan trọng để tìm kiếm những người sống sót. Nhưng hy vọng về nhiệm vụ giải cứu thực sự hiệu quả đã “tan thành mây khói” do không có thiết bị tìm kiếm và cứu hộ hạng nặng nào được đưa đến hiện trường. Giờ đây, tỷ lệ sống sót của những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát chỉ còn dưới 6%.

Thách thức khổng lồ

Hoạt động viện trợ cho khu vực thảm họa được đánh giá là vô cùng khó khăn. Trước hết, thời tiết không ủng hộ lực lượng cứu hộ. Cả hai quốc gia đang trải qua một mùa đông ẩm ướt khắc nghiệt. Ngoài ra, những căng thẳng chính trị trong khu vực và hàng triệu người tị nạn ở cả hai quốc gia do cuộc xung đột ở Syria, cũng chính là những thách thức khiến việc cứu hộ khó thành công.

Syria phải đối mặt với hàng loạt thảm họa - xung đột, bùng phát dịch tả và các cơ sở y tế quá tải đáng báo động.

Trong khi đó, trung tâm viện trợ quan trọng của Liên hợp quốc cho miền Bắc Syria, gần tâm chấn của trận động đất ban đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa này. Điều này đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung cần thiết ngay sau khi trận động đất xảy ra.

Phản ứng chính trị

Lực lượng cứu hộ đưa người bị nạn ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Lực lượng cứu hộ đưa người bị nạn ra khỏi đống đổ nát của tòa nhà ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Một trong những quyết định quan trọng nhất mà chính phủ cần đưa ra khi thảm họa xảy đến đó là có nên ban bố tình trạng khẩn cấp hay không. Đối với các tổ chức nhân đạo, ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp họ tự do thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực bị ảnh hưởng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng để đối phó với thảm họa. Do đó, Ankara đã nhận được nhiều nguồn hỗ trợ và sự chú ý của giới truyền thông hơn.

Trong khi đó, Chính phủ Syria chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Điều này có nghĩa là nước này sẽ không chính thức công nhận hoặc hỗ trợ bất kỳ tổ chức nào hoạt động trong các khu vực do phiến quân kiểm soát. Điều này sẽ gây rủi ro cho nhân viên cứu trợ. Họ không được đảm bảo an toàn, trong khi các nhóm vũ trang trỗi dậy, làm tăng rủi ro an ninh cho các nhiệm vụ cứu hộ và cứu trợ.

Hơn nữa, việc hỗ trợ Syria sẽ chỉ có hiệu quả nếu Chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cấp quyền tiếp cận các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát. Các tổ chức viện trợ quốc tế chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ khi được đảm bảo tiếp cận khu vực thảm họa một cách an toàn và không bị cản trở.

Các biện pháp ứng phó hiệu quả

Khi thảm họa xảy ra, các khoản tiền do công chúng đóng góp và các chính phủ tài trợ trở nên vô cùng quan trọng. Khoản tiền này cho phép các tổ chức viện trợ nhanh chóng điều chỉnh phản ứng của họ khi cần thiết.

Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của các tổ chức cứu hộ là cung cấp thực phẩm, nước uống, hỗ trợ y tế, quần áo và nơi trú ẩn phù hợp với điều kiện thời tiết cho người dân ở vùng thảm họa.

Có thể hiểu rằng ai cũng muốn những chuyến hàng viện trợ được gửi đi càng nhanh càng tốt, nhưng tình trạng cơ sở hạ tầng ở khu vực động đất không hỗ trợ điều đó. Trong khi việc dự trữ đồ tiếp tế trong khu vực có thể làm tăng nguy cơ trộm cắp, gây bất ổn an ninh.

Trước bối cảnh đó, giới chức đã linh hoạt thay đổi loại hình cứu hộ, khi chuyển trọng tâm từ tìm kiếm và cứu hộ sang giữ tính mạng cho người bị nạn.

Đội cứu hộ Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore (SCDF) tham gia cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Đội cứu hộ Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore (SCDF) tham gia cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Mục tiêu của lực lượng chức năng là đảm bảo nguồn cung ổn định các mặt hàng thiết yếu cho khu vực thảm họa. Bên cạnh đó, giới chức cũng tìm các tuyến đường thay thế an toàn, ví dụ sử dụng vận tải đường biển để xây dựng tuyến đường cung cấp và vận chuyển vật tư liên tục đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bằng các phương tiện nhỏ. Các loài động vật như lừa cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong chở các nhu yếu phẩm và đưa người bị nạn đi cấp cứu ở những nơi khó tiếp cận.

Các tổ chức viện trợ cũng đang phối hợp với các cộng đồng địa phương và tổ chức chính trị, đặc biệt ở miền Bắc Syria, nơi các nhân viên cứu trợ quốc tế đã buộc phải rời đi nhiều năm trước vì rủi ro an ninh cao.

Trong khi đó, dịch tả đang bùng phát ở khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất. Tổ chức Y tế Thế giới xác định bệnh tả là một trong số ít bệnh có thể lây truyền từ xác chết, vì vậy căn bệnh này có thể gây rủi ro lớn cho sức khỏe cộng đồng sau thảm họa thiên nhiên.

Để tránh lặp lại những sai lầm tương tự Haiti, nơi có rất nhiều người bị nhiễm dịch bệnh tả sau thảm họa, kiểm soát dịch bệnh đã được ưu tiên hàng đầu. Nỗ lực này rất cần sự giúp đỡ của chuyên gia, cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh và biện pháp chôn cất người bị nạn một cách phù hợp.

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo CNA)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thach-thuc-trong-cong-tac-cuu-ho-o-tho-nhi-ky-va-syria-sau-dong-dat-20230216002709826.htm