Thách thức trong kiểm soát lạm phát 2023

Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2023 do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Cộng với ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế thế giới. Những yếu tố này đang là áp lực đối với lạm phát của nước ta trong năm nay.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân chung năm 2022 của nước ta là 3,15%. Nhưng chỉ riêng tháng 12 năm 2022, chỉ số này so với cùng kỳ năm trước đã tăng 4,55%. Nhìn vào biểu đồ có thể thấy xu hướng CPI tháng sau cao hơn tháng trước.

Thêm vào đó, những yếu tố giúp giữ được chỉ số CPI năm 2022 không tăng cao như giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện… lại chính là 1 trong những sức ép rất lớn lên lạm phát năm 2023, bởi sẽ có sự điều chỉnh về giá ở các lĩnh vực này. Đơn cử, nếu giá điện tăng 8% thì sẽ tác động vào sản xuất khoảng 0,4%. Nếu tăng 10% thì tác động khoảng 0,6%. Hay như việc tăng lương cơ sở thêm khoảng 20% từ 1/7 năm nay sẽ tác động khoảng 0,67% vào chỉ số CPI.

Đây đều là những sức ép lạm phát có thể nhìn thấy ngay được trong năm 2023. Ngoài ra, theo các chuyên gia, vẫn còn những sức ép chưa thể đánh giá được.

Các chuyên gia cũng cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% năm 2023 mà Quốc hội đề ra là khả thi dù sẽ không phải dễ dàng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ trễ so với kinh tế thế giới. Để đạt được mục tiêu này, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm nay.

Thực hiện : Hằng Nga Minh Chiến Hoàng Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thach-thuc-trong-kiem-soat-lam-phat-2023