Thách thức trong triển khai dự án điện trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh

Bộ Công thương vừa đề nghị các địa phương rà soát, báo cáo các khó khăn, vướng mắc khi triển khai các dự án nguồn điện và lưới điện trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh với thời hạn trước ngày 29/7/2025.

Thách thức lớn nhất là các dự án điện dùng đất đều phải chọn nhà đầu tư qua đấu thầu.

Thách thức lớn nhất là các dự án điện dùng đất đều phải chọn nhà đầu tư qua đấu thầu.

Vòng quanh lo thủ tục

Sau gần 2 năm kể từ khi ban hành Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Điện VIII, Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII tại Quyết định 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025. Tiếp đó, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 1509/QĐ-BCT ngày 30/5/2025 phê duyệt Kế hoạch thực hiện điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII.

Những tưởng mọi việc đã có thể “thông đồng bén giọt” hơn, nhưng trên thực tế, lại có không ít băn khoăn từ địa phương và nhà đầu tư khi bắt tay vào làm cụ thể.

Theo các nhà đầu tư và tư vấn, thách thức lớn nhất là các dự án điện dùng đất đều phải chọn nhà đầu tư qua đấu thầu. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư mang tâm lý “con gà - quả trứng”, lo dự án mình đấu thầu có trúng cũng chưa chắc cuối cùng đã thuộc về mình, nên cứ loay hoay, không muốn dấn thêm.

Quảng Trị và Hà Tĩnh là hai địa phương sớm có văn bản đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng có ý kiến đề xuất với Chính phủ việc bổ sung quy định riêng đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù kỹ thuật của các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là dự án điện gió, trước yêu cầu phải có quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu 1/2.000 với dự án điện gió, trong trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, thực tế hàng chục dự án điện gió đã đầu tư trên địa bàn cho thấy, dự án điện gió có đặc thù là chưa xác định cụ thể vị trí tua-bin, hướng tuyến, cũng như các công trình liên quan, nên việc lập quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu gặp khó khăn.

“Việc lập quy hoạch phân khu 1/2.000 cho tất cả các vùng có tiềm năng điện gió không chỉ tốn ngân sách, mà còn chứa rủi ro lớn, bởi rất có thể diễn ra tình trạng lập xong mà không có ai mặn mà đầu tư, thì lại thành quy hoạch ‘treo’ - đất vẫn trống không, tiền mất, còn gió vẫn bay”, đại diện tỉnh Quảng Trị nhận xét.

Bên cạnh đó, Quảng Trị cũng đề nghị hướng dẫn lập quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu (làm cơ sở thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất quy định tại Điều 126, Luật Đất đai năm 2024) đối với khu vực dự kiến thực hiện dự án nguồn điện nằm tại khu vực nông thôn, nhưng không thuộc điểm dân cư nông thôn, hoặc dự kiến phát triển điểm dân cư nông thôn, đồng thời không thuộc khu chức năng (khu vực dự kiến thực hiện dự án).

Trả lời đề xuất trên, Bộ Xây dựng đã đề nghị địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực dự kiến thực hiện dự án theo quy định hiện hành của pháp luật về xây dựng.

Cũng gặp khó khăn trong quá trình chuẩn bị dự án, một chuyên gia tư vấn cho hay, trước đây Quyết định 262/QĐ-TTg, hay Quyết định 768/QĐ-TTg không có cột phương án đấu nối của từng dự án, nhưng tới Quyết định 1509/QĐ-BCT lại có thêm một cột về đấu nối mà không phải dự án nào cũng có.

Có nhà đầu tư chọn trúng 1 dự án đã có trong Quy hoạch Điện VIII và Kế hoạch thực hiện quy hoạch, nhưng chưa có kế hoạch đấu nối được Bộ Công thương phân bổ, nên gặp khó khăn trong triển khai. Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tổng công ty điện lực miền yêu cầu phải có phương án đấu nối trong Quyết định 1509/QĐ-BCT và họ không dám làm khác so với quy định thủ tục giấy tờ của cơ quan hữu trách, vì sợ sau này bị hỏi căn cứ ở đâu.

Trong khi đó, địa phương đã 2 lần gửi văn bản đề nghị Bộ Công thương bổ sung phương án đấu nối lưới 110 kV, nhưng được trả lời là chờ sáp nhập đơn vị hành chính xong thì hiệu chỉnh lại tổng thể. Đến giờ, muốn kết thúc báo cáo nghiên cứu khả thi thì không được, vì phải chờ phương án đấu nối, mà chưa biết bao giờ được bổ sung.

Nhà đầu tư căng đầu tính hiệu quả

Dự án Điện khí LNG Nghi Sơn mời thầu, nhưng không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ; Dự án Điện khí LNG Cà Ná khi mở thầu cũng chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư tham gia, trong khi trước đây danh sách ngắn tại các dự án này có ít nhất 5 cái tên. Đây là điều đáng suy nghĩ về sự hấp dẫn của các dự án điện lớn.

Tỉnh Thanh Hóa, khi làm việc với Bộ Công thương, cũng cho biết, việc đấu thầu sẽ mất nhiều thời gian và chưa khẳng định được kết quả chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm.

Đáng chú ý, Dự án Điện khí LNG Nghi Sơn và Cà Ná nằm tại các địa phương gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Cà Mau mà Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đang đề nghị được chỉ định làm chủ đầu tư.

Chuyên gia năng lượng độc lập Phan Xuân Dương cho hay, các dự án điện khí LNG đều có quy mô lớn, nên đàm phán cũng nhiều thách thức hơn, nhất là để đủ điều kiện vay được tiền từ nước ngoài, mà lại đảm bảo giá bán điện trong khung quy định.

Chia sẻ thách thức của các dự án điện khí LNG mới, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình phân tích thực tế huy động điện trong 6 tháng mùa khô năm 2025 khi mưa nhiều, nền nhiệt mát hơn khiến một số nhà máy điện than huy động thấp.

Do sản lượng hợp đồng được phân bổ hàng quý thấp, dù chào giá 0 đồng cũng không được phát, nên làm giảm hiệu quả đầu tư và mất cân đối tài chính. Bên cạnh đó, có những nhà máy nhiệt điện vẫn còn khoản chênh lệch tỷ giá từ năm 2019 đến 2024, với số tiền trên hàng trăm tỷ đồng chưa được thanh toán và trả lãi suất.

Đáng nói là, trong khi gặp khó khăn về tài chính, nhà máy vẫn phải vay ngân hàng mua nguyên, nhiên liệu để sản xuất điện theo yêu cầu của Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO).

“Tình hình dòng tiền của các công ty phát điện độc lập có thể ảnh hưởng tới quyết định đầu tư các dự án điện mới, đặc biệt là các dự án có suất đầu tư lớn như LNG và điện gió ngoài khơi. Đây cũng là một trong các lý do chính khiến gần 3 năm qua, cả nước không có công trình nguồn điện lớn nào được khởi công, gây ra nguy cơ không thực hiện được Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh”, chuyên gia Đào Nhật Đình chia sẻ.

Thanh Hương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thach-thuc-trong-trien-khai-du-an-dien-trong-quy-hoach-dien-viii-dieu-chinh-d340196.html