Thách thức trong xác định danh tính nạn nhân xung đột Ukraine

Một ủy ban quốc tế sắp hoàn tất một thỏa thuận với chính phủ Ukraine nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công việc xác định danh tính của những người mất tích hoặc đã chết.

Các nhân viên kỹ thuật tại phòng thí nghiệm của Ủy ban Quốc tế về Người mất tích lấy mẫu ADN. Ảnh: AP

Các nhân viên kỹ thuật tại phòng thí nghiệm của Ủy ban Quốc tế về Người mất tích lấy mẫu ADN. Ảnh: AP

Đại diện của các nhóm nhân quyền và xã hội dân sự Ukraine đã đến thăm một tổ chức sử dụng các kỹ thuật ADN công nghệ cao để xác định những người mất tích trong xung đột và thiên tai, đánh dấu động thái tăng cường hợp tác trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Theo hãng tin AP, Kathryne Bomberger - Tổng giám đốc Ủy ban Quốc tế về Người mất tích, một nhóm có trụ sở tại Hague (Hà Lan) điều hành một cơ sở nhận diện nạn nhân – ngày 5/4 cho biết tổ chức này phải đối mặt với những thách thức chưa từng có khi tìm cách thu thập các mẫu ADN trong bối cảnh giao tranh căng thẳng xảy ra.

“Tôi không thể nghĩ ra cách thức làm việc nào khác. Chúng tôi vẫn đang tích cực hỗ trợ điều tra các trường hợp người mất tích trong khi xung đột đang diễn ra và điều đó đặt ra thách thức”, Tổng Giám đốc Kathryne trả lời phỏng vấn hãng tin AP.

Những người mất tích hoặc chưa xác định được danh tính trong hơn một năm xung đột Ukraine nổ ra gồm những người lính chết trên chiến trường, dân thường không may thiệt mạng trong các vụ tấn công.

Theo bà Kathryne, tổ chức của bà sắp hoàn tất một thỏa thuận với chính phủ Ukraine nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công việc xác định danh tính của những người mất tích hoặc đã chết bằng cách thu thập ADN từ các thi thể và đối chiếu chéo với các mẫu từ các thành viên gia đình. Một thỏa thuận như vậy sẽ mang lại sự rõ ràng về mặt pháp lý cho tổ chức khi làm việc với các gia đình Ukraine.

“Trong một ngôi mộ tập thể, hiện trường vụ việc, phải đảm bảo những việc mình làm tuân thủ bộ luật tố tụng hình sự, các luật khác ở nước sở tại”, nữ Tổng Giám đốc giải thích.

Các chuyên gia của ủy ban đã tới Ukraine để giúp xác định danh tính những người thiệt mạng và mở văn phòng tại Kiev. Phát hiện của họ sẽ giúp các gia đình khép lại nỗi mơ hồ không rõ người thân của mình sống chết ra sao cũng như là bằng chứng cung cấp cho các cuộc điều tra.

Tại phòng thí nghiệm ở Hague, với công nghệ cao, các kỹ thuật viên của ủy ban trích xuất ADN từ các mẫu xương nhỏ và đối chiếu chéo chúng với các mẫu do gia đình những người mất tích cung cấp.

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022 cho đến nay, số liệu về người mất tích hay thiệt mạng tại quốc gia này vẫn còn là một ẩn số.

“Vấn đề ở đây là chúng tôi không nắm được có thực sự bao người mất tích. Tất nhiên chính phủ Ukraine có cung cấp cho chúng tôi một số dữ liệu nhưng chúng tôi cũng nhận ra họ có nhu cầu bảo mật khi nói đến số lượng bình sĩ đã thiệt mạng có thể nằm trong số những người mất tích”, bà Kathryne nói.

Nằm trong số các đại diện tổ chức Ukraine ở Hague, bà Anna Popova - làm việc tại Trung tâm Quyền tự do Dân sự Ukraine - cho biết đây là một phần động thái nhằm đảm bảo gia đình của những người mất tích nhận thức rõ vai trò của họ trong quá trình tìm kiếm và xác định những người thân yêu.

“Ở Ukraine, số lượng người mất tích rất lớn. Chúng tôi cần những thay đổi về mặt pháp lý để gia đình của những người mất tích có thể bảo vệ quyền lợi của họ”, bà Anna cho hay. Trung tâm này đã thành lập một dự án thu thập bằng chứng về tội ác chiến tranh trong suốt một năm qua và đã nhận được gần 1.000 yêu cầu trợ giúp truy tìm những người mất tích hoặc đang bị giam giữ.

Ủy ban quốc tế về Người mất tích được thành lập để giúp xác định những người mất tích và thiệt mạng trong các cuộc chiến ở Balkan vào những năm 1990. Tổ chức này có mối liên hệ công việc với văn phòng công tố Tòa án Hình sự Quốc tế và các cơ quan chống tội phạm như Interpol và Europol để chia sẻ bằng chứng.

Được tài trợ bởi sự đóng góp tự nguyện của các chính phủ, lực lượng này thường xuyên làm việc tại các địa điểm xảy ra thảm họa trên khắp thế giới, bao gồm Syria, Libya và Iraq.

Theo bà Kathryne, cho đến nay, ủy ban chưa trực tiếp liên lạc với chính quyền Nga về Ukraine, nhưng nói rằng họ sẽ tìm cách liên hệ trong tương lai.

“Khi đúng thời điểm, điều này sẽ xảy ra vì đó là một phần của việc xây dựng hòa bình”, bà kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thach-thuc-trong-xac-dinh-danh-tinh-nan-nhan-xung-dot-ukraine-20230407094019119.htm