Thách thức từ bài toán 'tính đúng, tính đủ'

Theo Sở Y tế TPHCM, khi lộ trình 'tính đúng tính đủ' các yếu tố cấu thành giá viện phí vẫn còn chưa đi đến bước cuối cùng, nếu yêu cầu các bệnh viện (BV) tự chủ hoàn toàn sẽ có những khó khăn nhất định.

Cơ chế tự chủ góp phần xây dựng nên những mô hình hợp tác công - tư trong các cơ sơ y tế công lập. Ảnh: VGP/Đình Nam

Cơ chế tự chủ góp phần xây dựng nên những mô hình hợp tác công - tư trong các cơ sơ y tế công lập. Ảnh: VGP/Đình Nam

Với sự ra đời của Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, và sau đó là Nghị quyết 93/NQ-CP năm 2014 về một số cơ chế chính sách phát triển y tế, nhiều BV trên cả nước đã từng bước đi vào tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính.

Đã tự chủ trên 80% chi thường xuyên

Thống kê từ Sở Y tế TPHCM đến nay cho thấy có 27/32 BV tuyến thành phố và 18/23 BV tuyến quận, huyện đã tự chủ được 100% chi thường xuyên. Tính chung thì tất cả các BV do Sở Y tế TPHCM quản lý đều tự chủ được trên 80% chi thường xuyên.

Không chỉ về tài chính, tự chủ còn tạo ra tác động tích cực lên đội ngũ lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh công lập khi góp phần xây dựng nên những mô hình hợp tác công - tư đầu tiên. Có thể kể đến như mô hình phối hợp giữa BV Ung bướu TPHCM và BV Hồng Đức. Để giảm bớt hiện tượng quá tải tại cơ sở khám chữa bệnh ung thư hàng đầu phía Nam, nhiều ca bệnh điều trị theo yêu cầu sẽ được các bác sĩ Ung bướu thực hiện điều trị tại Hồng Đức. Sau đó, bệnh nhân có thể chọn theo dõi hậu phẫu, hồi phục tại đây hoặc quay về Ung bướu.

Chỉ tiếc, dù Nghị quyết 93 có nói rằng “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công được cử công chức, viên chức làm việc tại BV tư” nhưng theo ghi nhận từ Sở Y tế TPHCM, vì chưa có hướng dẫn pháp lý đủ cụ thể nên mới có vài BV linh động được, còn lại nhiều nơi khác vẫn chưa “dám” làm vì “nếu kiểm toán vô thì sẽ rất khó cho BV”, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng tâm tư.

Dù vậy, sau thông tin về việc cho phép thí điểm tự chủ hoàn toàn tại 4 BV hàng đầu thuộc Bộ Y tế (Nghị quyết 33/NQ-CP) hôm 19/5 vừa qua, cỗ máy khám chữa bệnh công lập được kỳ vọng sẽ có thêm “gia tốc” để chuyển động nhanh hơn. “Trước đây có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, hết thì chịu, không phát triển được nữa. Nay thì BV có thể tự đầu tư nguồn lực để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và nghiên cứu phát triển. Tự chủ còn có thể tạo ra sự cạnh tranh minh bạch giữa các BV, không chỉ về hạ tầng vật chất mà cả về nguồn nhân lực, và xa hơn là cạnh tranh thu hút người đến khám chữa bệnh”, ông Tăng Chí Thượng nhận định.

Tất nhiên, đây đó vẫn sẽ có những nghi ngại cho rằng với những BV công đang ở tốp đầu về nhân lực lẫn trang thiết bị, bệnh nhân “đuổi đi còn không hết”, thì chẳng có nhu cầu phải cạnh tranh gì nữa. Thế nhưng, với nhà quản lý ngành y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, đây chỉ là thực tế ngắn hạn bởi luồng gió tự chủ một khi đã nổi lên sẽ khiến các BV phải thay đổi rất nhanh so với trước đây. “Đừng nghĩ mình có thể mãi độc quyền về kỹ thuật và con người. Mười năm trước đây chỉ có Viện Tim thực hiện được các ca mổ tim. Nay thì nhiều nơi khác cũng làm được rồi. Theo thời gian thì các BV sẽ phải thay đổi hết”.

Hiệu quả hơn nếu có thêm cơ chế

Theo chủ trương mà Bộ Y tế đã kiến nghị và được Chính phủ đồng ý, trong tương lai, giá dịch vụ y tế sẽ thực hiện theo chủ trương “tính đúng, tính đủ”. Tuy nhiên trong 7 yếu tố cấu thành giá viện phí, vẫn còn 3 yếu tố chưa được “tính đủ” gồm: Sửa chữa lớn tài sản; Khấu hao nhà cửa, trang thiết bị lớn; Chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Do đó, theo Sở Y tế TPHCM, khi lộ trình “tính đúng, tính đủ” vẫn còn chưa đi đến bước cuối cùng, nếu yêu cầu các BV tự chủ hoàn toàn sẽ có những khó khăn nhất định. Bởi lẽ mỗi BV đều có những chức năng riêng. Các BV chuyên khoa (BV sản, BV mắt…) về góc độ nào đó sẽ có lợi thế hơn về nguồn thu. Trong khi đó, các BV đa khoa với tỷ lệ các ca bệnh nặng lớn hơn, đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đây là thực tiễn đã được khẳng định từ nhiều năm qua tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập ở TPHCM.

Chia sẻ quan điểm này, TS. BS Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó Giám đốc BV Ung bướu TPHCM - cho rằng Bộ Y tế rất hiểu mức thu viện phí hiện chưa phản ánh đúng và đủ chi phí cấu thành giá dịch vụ y tế nhưng với điều kiện của người dân hiện nay nên Chính phủ vẫn chưa cho phép tăng giá viện phí thêm nữa. Do đó, có thể nói các BV chưa đủ tích lũy cho Quỹ Phát triển sự nghiệp để tái đầu tư.

Đơn cử, dù có quyền chủ động triển khai kỹ thuật mới, nhưng BV Ung bướu vẫn phải tự xoay sở kinh phí để nhân lực được đào tạo thêm chuyên môn. Còn chuyện cán bộ y tế tại đây được huấn luyện ở nước ngoài chủ yếu xuất phát từ các các nguồn tài trợ và học bổng tự “săn”.

Đáng lo hơn, theo vị lãnh đạo này, hiện tại cả trượt giá lẫn chi phí đầu tư vào công nghệ thông tin thậm chí còn chưa được “gọi tên” trong 7 nhóm chi phí cấu thành giá dịch vụ y tế. Trong khi đó, với chức năng khám chữa bệnh toàn dân, các BV càng không thể đứng ngoài cuộc chuyển mình của cách mạng công nghiệp 4.0.

BV Ung bướu TPHCM Cơ sở 2 cũng được đầu tư hàng chục tỷ đồng cho công nghệ thông tin. Theo thiết kế, Cơ sở này cũng sẽ có 1.000 giường - bệnh nhân mỗi người một giường. Phòng ốc, thiết bị khám chữa bệnh được đầu tư đầy đủ và hết sức hiện đại. Với thiết kế, trang bị và chất lượng dịch vụ tốt hơn hẳn, các đòi hỏi về chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh, an ninh… cũng sẽ cao hơn rất nhiều. Ví dụ chi phí tiền điện hiện nay vài trăm triệu/tháng có thể sẽ phải lên đến 2-3tỷ đồng/tháng. Trong khi lượng bệnh nhân là hữu hạn (chuyển từ cơ sở 1 sang) và BV vẫn phải thu viện phí theo khung giá quy định hiện hành nên khả năng không thể đảm đương nổi.

“Phải có cơ chế hỗ trợ tài chính nào đó cho các BV công được đầu tư lớn, có thể là cơ chế thu phù hợp hơn. Một BV ra đời không chỉ để tồn tại mà còn cần phải phát triển hơn nữa. Vậy nên, nếu cho tự chủ mà vẫn thu theo quy định hiện nay thì rất khó cho các BV có thể vận hành suôn sẻ, chưa nói tới tái đầu tư phát triển”, ông Đặng Huy Quốc Thịnh quan ngại.

Đây là bài toán tới lúc này vẫn chưa có câu trả lời cụ thể dù Cơ sở 2 - BV Ung bướu dự kiến sẽ đi vào hoạt động từng phần ngay từ 30/9 tới.

Ghi nhận về tình hình tự chủ ở các BV tại TPHCM cũng cho thấy hiện những cơ sở khám chữa bệnh này mới chỉ có thể tự “quyết” phần tuyển dụng - trả lương - sa thải với nhân viên hợp đồng. Còn nếu muốn tuyển dụng nhân sự biên chế thì vẫn phải có đề án vị trí việc làm được các cấp có thẩm quyền như Sở Y tế và Sở Nội vụ phê duyệt.

“Vì là BV công nên khi đã tuyển dụng vào biên chế rồi, muốn cho người ta nghỉ việc thì phải qua quá trình đánh giá chứng minh vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, chuyên môn yếu kém v.v…, tức là về mặt quản lý, BV sẽ đối mặt với rất nhiều rắc rối. Ngoài ra, vì các BV đều được Sở Y tế ‘chấm điểm’ quản lý chất lượng hàng năm nên nếu sa thải nhiều nhân sự thì BV cũng lo bị rớt điểm, tụt hạng”, một nhà quản lý cơ sở y tế chia sẻ thêm.

Vậy là để BV có thể tự chủ hoàn toàn, vẫn còn rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

Phương Hiền

Các BV buộc phải chủ động, sáng tạo

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/bai-3-thach-thuc-tu-bai-toan-tinh-dung-tinh-du/367589.vgp