Thách thức và cơ hội của ngành ngôn ngữ hiếm

Dù xã hội vẫn còn e ngại về tính phổ biến và cơ hội việc làm của các ngành ngôn ngữ hiếm nhưng các chuyên gia lại lạc quan cho rằng: ngôn ngữ hiếm là mảnh đất màu mỡ, chưa bao giờ làm những ai thật lòng yêu thích và theo đuổi nó phải thất vọng.

Gian nan bước đầu

Trong giai đoạn hội nhập toàn cầu, khi ngoại ngữ là chìa khóa mở cánh cửa thế giới thì ngoài các thứ tiếng: Anh, Trung, Hàn, Nhật, Pháp, Đức, Nga; không ít thí sinh chọn ngách hẹp khi quyết định theo đuổi dòng ngôn ngữ hiếm, ít phổ biến ở Việt Nam như tiếng: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả Rập, Thái Lan, Ấn Độ, Italia…

Khi lựa chọn các ngôn ngữ này, thí sinh cần có thái độ và tinh thần học tập đúng đắn, không ngại khó, ngại khổ bởi đa số dòng ngôn ngữ hiếm có bộ chữ riêng, không theo bộ chữ Latin. Ngôn ngữ hiếm khó viết, khó nhớ, phải học từ đầu.

Không chỉ gây khó khăn trong cách phát âm, học từ vựng mà ngữ pháp của dòng ngôn ngữ hiếm cũng khiến nhiều người đau đầu hoặc có ý định bỏ cuộc sớm. Ngoài ra, điều kiện học tập của ngôn ngữ hiếm so với các ngoại ngữ phổ biến khác còn khó khăn, eo hẹp như thiếu giáo trình, ít giảng viên, hạn chế máy móc hỗ trợ… và đặc biệt thiếu điều kiện giao tiếp.

Sinh viên khoa tiếng Italia - Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Nam Du

Sinh viên khoa tiếng Italia - Trường Đại học Hà Nội. Ảnh: Nam Du

Thực tế cho thấy, không phải ai muốn học ngôn ngữ hiếm cũng học được bởi ngoài tính kiên nhẫn thì sự định hướng dài hạn cho tương lai có vai trò rất quan trọng. Nếu người theo học có mục đích rõ ràng, ngôn ngữ hiếm sẽ tạo nhiều cơ hội cho người học sau này.

Là người giảng dạy tiếng Ả rập - một ngôn ngữ hiếm, ThS Phan Thanh Huyền, quyền Trưởng bộ môn Ả rập học, Khoa Đông phương học (Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho hay: so với những ngôn ngữ khác, tiếng Ả Rập rất khó, do vậy người học sẽ phải nỗ lực, thử thách nhiều mới học được. Khi học tiếng Ả rập, người học luôn phải bền bỉ, dũng cảm để vượt qua những thách thức bước đầu trong cách phát âm và ngữ pháp.

trong những yêu cầu khá quan trọng khi học ngôn ngữ hiếm, đó là người học cũng song song việc học và học tiếng Anh. Lấy ví dụ về ngôn ngữ Ấn Độ, theo PGS.TS Đỗ Thu Hà, Trưởng bộ môn Ấn Độ học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), còn có khá nhiều người lầm tưởng khi nhắc đến ngành học Ấn Độ học. Ấn Độ chưa có ngôn ngữ quốc gia mà chỉ có ngôn ngữ hành chính là tiếng Anh và tiếng Hindi. Bởi thế, muốn thâm nhập thị trường này thì tiếng Anh là công cụ hàng đầu để sinh viên giao tiếp, học tập, làm việc.

PGS.TS Đỗ Thu Hà cũng chia sẻ, khi học ngôn ngữ, sinh viên cần nuôi dưỡng đam mê, học song hành cùng văn hóa của đất nước đó và đầu tư vốn từ chuyên ngành mà các em theo đuổi.

“Một số sinh viên học chỉ đủ để giao tiếp thông thường, thiếu ngôn ngữ trong lĩnh vực chuyên môn sẽ rất khó để làm việc. Học ngôn ngữ có nhiều cấp độ nên sinh viên cần rèn luyện, nỗ lực và xác định mục tiêu học tập, trở thành người lao động chất lượng cao" - PGS.TS Đỗ Thu Hà phân tích.

Cơ hội rộng mở

Một trong những cơ hội tốt với sinh viên theo học ngành ngôn ngữ hiếm, đó là có nhiều cơ hội du học theo diện học bổng. Đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, trường có Bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa Ả rập.

Đơn vị có quan hệ tốt và thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của nhiều đại sứ quán các nước Ả rập tại Việt Nam qua hình thức cấp học bổng cho sinh viên đi học tại nước ngoài. Trường có rất nhiều học bổng khác nhau, trong đó có học bổng học 1 năm tại các trường ĐH Ai Cập, Kuwait, Qatar; học bổng học 2 tháng tại Oman... Từ năm học 2017 - 2018, Đại sứ quán Qatar cấp học bổng khuyến học cho sinh viên ngành tiếng Ả rập có hoàn cảnh khó khăn với thành tích học tập tốt.

Bên cạnh đó, các đại sứ quán cung cấp sách, tài liệu tham khảo phục vụ việc giảng dạy tiếng Ả rập, cho phép sinh viên thực tập tại đại sứ quán, mời sinh viên tham gia các sự kiện do đại sứ quán tổ chức nhằm giúp sinh viên có thêm cơ hội giao tiếp, làm quen với phong tục, tập quán Ả rập.

Tại khoa tiếng Bồ Đào Nha, Trường ĐH Hà Nội - nơi đào tạo tiếng Bồ Đào Nha chính quy duy nhất tại Việt Nam hiện nay, sinh viên luôn có cơ hội được tham gia khóa học Hè miễn phí tại Trường ĐH Tổng hợp Macau. Các em cũng có thể nhận được học bổng toàn phần do Viện Camoẽs (Bồ Đào Nha) trao tặng để theo học khóa học Hè, khóa học 1 năm, đào tạo chuyên sâu, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại những trường ĐH hàng đầu của Bồ Đào Nha. Học tại khoa, sinh viên còn được tham gia tuần lễ Văn hóa tiếng Bồ Đào Nha do khoa kết hợp với các đại sứ quán, lãnh sự quán tổ chức thường niên và nhiều hoạt động, câu lạc bộ trong toàn trường.

Không những vậy, cơ hội việc làm của sinh viên ngành ngôn ngữ hiếm cũng rất tốt với mức lương cao, có khi gấp 2 -3 lần ngôn ngữ thông thường. Với khoa tiếng Bồ Đào Nha - Trường ĐH Hà Nội, sau khi ra trường, sinh viên có đủ khả năng có thể làm tại các cơ quan ngoại giao (đại sứ quán, lãnh sự quán của các nước nói tiếng Bồ Đào Nha tại Việt Nam hay nước ngoài), các bộ ngành chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các dự án đầu tư, các văn phòng đại diện thương mại, các công ty du lịch lữ hành hay trở thành giáo viên tiếng Bồ Đào Nha.

Hiện nay, Đại sứ Brazil tại Việt Nam đang cố gắng hết sức mình để giới thiệu thêm nhiều công ty, tổ chức Brazil tới đầu tư, làm việc tại Việt Nam và như vậy, trong tương lai, cơ hội việc làm cho sinh viên ra trường sẽ ngày càng đa dạng.

Với khoa ngôn ngữ và Văn hóa Ả rập - Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, số lượng sinh viên tốt nghiệp luôn đạt 100%. Những khóa sinh viên đã ra trường hiện làm việc tại các cơ quan như các đại sứ quán, Ban đối ngoại T.Ư Đảng, Bộ Công an, Interpol, Vietnam Airlines, Emirate Airlines; đại diện cho các công ty xuất khẩu lao động…

ThS Phan Thanh Huyền, quyền Trưởng bộ môn Ả Rập học, Khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Những ai theo đến cùng ngôn ngữ Ả rập phần lớn đều có được rất nhiều thành công trong sự nghiệp. Hiện cơ hội cho sinh viên làm việc cho các công ty thương mại với Ả rập đang gia tăng đáng kể. Sinh viên cũng có thể làm việc cho các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các cơ quan ngoại giao có liên quan đến các nước Ả rập. Ngoài ra, sinh viên có thể làm cho các cơ quan, tổ chức thuộc Nhà nước, cơ quan ngoại giao hoặc theo các nghề nghiên cứu, phiên dịch...”.

Với một số ngôn ngữ hiếm khác như Ấn Độ, Tây Ban Nha, Italia… cũng hoàn toàn tương tự. “Các công ty Nam Mỹ hiện không ngừng đầu tư vào Việt Nam. Sinh viên ngoại ngữ có thể phát huy thế mạnh làm biên dịch, phiên dịch cho các công ty làm ăn với các nước nói tiếng Bồ Đào Nha” - chị Mai Lan, giám đốc một công ty thương mại có hợp tác thường xuyên với thị trường Bồ Đào Nha, cho biết.

Sinh viên đã chọn theo các ngoại ngữ hiếm cần giữ được tâm thế rằng, khi chinh phục được ngôn ngữ khó thì nhiều lợi thế sẽ đến. Trở ngại khi theo đuổi các tiếng hiếm là chính mình. Cạnh tranh nghề nghiệp với các ngoại ngữ này cũng là với chính mình. Chỉ cần vượt qua bản thân và cải thiện khả năng hàng ngày, nhiều chân trời mới sẽ mở ra. Các bạn trẻ bây giờ rất giỏi công nghệ, nhờ công nghệ nên khả năng học tiếng hiếm dễ hơn xưa rất nhiều.

ThS Phan Thanh Huyền, quyền Trưởng bộ môn Ả Rập học,
Khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn
- ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thach-thuc-va-co-hoi-cua-nganh-ngon-ngu-hiem.html