Chàng trai Lào yêu Quảng Ngãi

Lần đầu gặp, chúng tôi nghĩ Lat là người Việt thực thụ, nhưng không, anh ấy là người Lào. Lat đã dành trọn niềm tin yêu cho đất nước và con người Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.

Lat là cái tên thân mật, dễ nhớ mà mọi người dùng để gọi chàng trai Phimmasone Lattaphoum (24 tuổi), cựu sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, đến từ tỉnh Champasak (Lào).

Phần thưởng của sự nỗ lực

Lat kể, cơ duyên đưa Lat đến với Quảng Ngãi từ chính người anh trai con bác ruột đã từng du học ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Tại quê nhà của Lat ở tỉnh Champasak cũng có người Việt sinh sống. Thế nên, Lat được xem nhiều hình ảnh, thông tin về Quảng Ngãi, Việt Nam trên Facebook, cũng như ấn tượng về những người Việt sinh sống, kinh doanh ở quê hương của mình.

“Để đạt học bổng trở thành sinh viên tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, trước đó, tôi phải trải qua một kỳ thi. Tôi nhớ mãi 6 năm trước, tôi cùng 11 người bạn được nhận học bổng học tập tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, di chuyển trên chuyến xe từ tỉnh Champasak đến thẳng ký túc xá của trường. Khi đến nơi, tôi vừa hào hứng vừa bỡ ngỡ, vì tôi lớn lên ở vùng nông thôn của tỉnh Champasak, nên bất ngờ trước sự phát triển của TP.Quảng Ngãi, dù trước đó đã biết nhiều thông tin về Quảng Ngãi”, Lat nhớ lại.

Phimmasone Lattaphoum, tên thân mật là Lat, trong ngày tốt nghiệp tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: NVCC

Phimmasone Lattaphoum, tên thân mật là Lat, trong ngày tốt nghiệp tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: NVCC

Năm đầu tiên, tất cả du học sinh Lào tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tập trung học tiếng Việt tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Đây cũng là một trong những kỷ niệm đáng nhớ của chàng trai Lào bởi “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Suốt 6 tháng học đầu tiên, tiếng Việt vẫn là môn khó học đối với chàng trai Lào. “Bước vào học kỳ II, tôi đặt ra quyết tâm phải phấn đấu nỗ lực nhiều hơn. Tôi dành thời gian học cả ngày lẫn đêm để nghe nhạc, xem phim Việt Nam, dịch các giáo trình tiếng Việt sang tiếng Lào. Cuối năm học đó, tôi là một trong những sinh viên Lào được khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong khóa học tiếng Việt”, Lat chia sẻ.

Chàng trai Lào cũng nhớ mãi những tình cảm, kỷ niệm tốt đẹp mà các bạn sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã dành cho du học sinh Lào trong thời gian thực tập tại Trường THPT Chu Văn An (Tư Nghĩa). Là sinh viên Lào thực tập dạy môn Ngữ văn cho học sinh Việt Nam, nên Lat gặp khá nhiều áp lực. Khi ấy, trưởng nhóm sinh viên thực tập là bạn Trần Lê Tố Uyên đã nhiệt tình giúp đỡ các bạn sinh viên Lào trong cách giao tiếp với giáo viên, học sinh Trường THPT Chu Văn An.

Ngoài ra, Tố Uyên còn hướng dẫn sinh viên Lào cách soạn giáo án, trang phục đi dạy phù hợp. Ngày đầu đứng lớp, Lat bỡ ngỡ nhưng rất vui khi các em học sinh biết thầy giáo là người Lào. Lat bộc bạch, nhìn các học sinh cố gắng trong môn học, tôi càng tự nhủ mình phải nỗ lực hơn nữa trong cách truyền đạt và giảng dạy. Vui nhất là với những nỗ lực, cố gắng của bản thân, tôi là một trong số sinh viên thực tập được khen thưởng trong đợt tổng kết.

Phimmasone Lattaphoum (Lào), nguyên sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng (bên phải), cùng các bạn diễn trong một chương trình văn nghệ. Ảnh: T.H

Phimmasone Lattaphoum (Lào), nguyên sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng (bên phải), cùng các bạn diễn trong một chương trình văn nghệ. Ảnh: T.H

Khi còn là sinh viên năm 3, Lat cũng từng đoạt giải Nhì Cuộc thi dẫn chương trình do Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức. Nam sinh người Lào ra sức học tập, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào và tốt nghiệp đại học năm 2023 với tấm bằng loại giỏi. Mỗi lần đạt thành tích trong học tập, hoạt động, Lat đều gọi về khoe với mẹ.

Yêu đất nước Việt Nam, con người Quảng Ngãi

Từ bao lâu nay, tình nghĩa giữa đất nước Việt Nam và Lào luôn "mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững". Riêng 2 tỉnh Quảng Ngãi và Champasak, tình cảm gắn bó ngày càng được vun đắp kể từ năm 1990, khi 2 tỉnh kết nghĩa với nhau. Với các du học sinh Lào, vào mỗi dịp Tết truyền thống của người Lào, dù đang học tập tại Quảng Ngãi, các bạn luôn cảm nhận không khí Tết quê nhà thật gần gũi, ấm áp tại nơi mình đang học. Cứ vào giữa tháng 4 hằng năm, các sinh viên Lào được ăn Tết như chính trên quê nhà mình, các bạn được tham gia các hoạt động văn nghệ, lễ hội té nước, ăn xôi Lào, bún Lào, canh măng, gỏi đu đủ truyền thống...

Lat (cầm cờ) cùng các bạn diễn trong một tiết mục văn nghệ. Ảnh: NVCC

Lat (cầm cờ) cùng các bạn diễn trong một tiết mục văn nghệ. Ảnh: NVCC

Trong một lần trình diễn điệu múa đón Tết truyền thống Lào tại trường đại học, Lat được các anh chị để mắt đến. Tình cờ sau đó, đội văn nghệ của trường thiếu nam, cần người biểu diễn trong tiết mục, mọi người nhớ đến Lat. Không chỉ học giỏi, Lat còn là chàng trai đa tài, có năng khiếu về âm nhạc, hát múa. Vậy là chàng trai Lào bén duyên với các hoạt động văn nghệ tại Quảng Ngãi. Khi còn là sinh viên, để không ảnh hưởng đến việc học, Lat chỉ nhận đi diễn vào những ngày không có lịch học. Với Lat, việc tham gia các hoạt động, phong trào là cách để trau dồi vốn từ và hiểu hơn về văn hóa, con người Quảng Ngãi nói riêng, Việt Nam nói chung.

Với năng khiếu về múa, trong khi các đội biểu diễn ít diễn viên nam, Lat thường được chọn là nam múa chính trong các tiết mục. Trước khi tập luyện các tiết mục, Lat đều hỏi thăm các anh chị cùng đội biểu diễn về ý nghĩa, tinh thần của bài hát, động tác múa để có biểu cảm phù hợp. Trong đó, chàng trai Lào thích nhất bài hát "Một vòng Việt Nam", vì giai điệu bài hát, lúc trầm lắng, lúc da diết, có đoạn cao trào đầy tự hào.

Với tinh thần làm việc chỉn chu, trách nhiệm, Lat trở thành gương mặt quen thuộc, nổi bật trong các tiết mục văn nghệ, chương trình kỷ niệm các sự kiện lớn trên địa bàn tỉnh. Nhiều người cứ nghĩ Lat được học múa từ nhỏ, nhưng thật ra từ trước đến giờ, chàng trai Lào chưa trải qua lớp học múa nào, Lat tự mình học hỏi và dày công tập luyện thêm.

Ngoài tham gia biểu diễn các tiết mục tại các chương trình, sự kiện, lúc rảnh rỗi, Lat còn biểu diễn tại nhà hàng tiệc cưới, tham gia đội bưng quả. Những “sự kiện” này giúp Lat hiểu hơn về các phong tục thú vị của người Việt Nam. Trong nhiều tiết học, các giảng viên thường khuyến khích Lat chia sẻ về các trải nghiệm tham gia một số hoạt động văn nghệ, biểu diễn tại các đám cưới khiến nhiều sinh viên Lào thích thú. Qua đó, giúp sinh viên Lào thêm hiểu văn hóa, con người Việt Nam.

Chia sẻ về Phimmasone Lattaphoum, chị Từ Thị Thùy Hương, biên đạo múa ở TP.Quảng Ngãi cho hay, điều đáng ghi nhận ở chàng trai người Lào này chính là tinh thần làm việc siêng năng, trách nhiệm, chỉnh chu, tâm huyết. Với những tiết mục, động tác khó, Lat kiên nhẫn, chịu khó tập đi tập lại đến khi nhuần nhuyễn, thành thạo mới thôi. Lat luôn đến đúng giờ tập luyện, biểu diễn, để lại những thiện cảm tốt đẹp trong lòng nhiều người.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Lat dành thời gian ở lại Quảng Ngãi để tìm hiểu về con người, thiên nhiên và tích cực tham gia vào các hoạt động biểu diễn văn nghệ.

“Nhiều chương trình tổ chức rất trang trọng, hoành tráng với tiết mục văn nghệ mở đầu. Nhiều lần, tôi được chọn cầm lá cờ Việt Nam múa trên sân khấu. Khi được giao nhiệm vụ này, tôi tập luyện các động tác cầm, múa cờ thật nhuần nhuyễn, dứt khoát, mạnh mẽ để thể hiện tinh thần hào hùng của tiết mục. Các anh chị, bạn bè trong đội biểu diễn thường giới thiệu với mọi người rằng, tôi là người Lào cầm lá cờ Việt Nam múa, khiến tôi vui và tự hào. Tôi càng thêm yêu Việt Nam và Quảng Ngãi như là quê hương thứ 2 của tôi vậy”, Lat chia sẻ.

Chàng trai Lào chia sẻ, tôi rất ấn tượng về tình yêu nước và tinh thần học tập của người Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng. Dù sinh sống, làm việc ở đâu, người Việt luôn giữ tinh thần yêu nước, tự hào về lá cờ Tổ quốc, đất nước mình. Những người Việt sinh sống ở Lào đều duy trì các ngày lễ, Tết truyền thống như tết Nguyên đán, tết Trung thu, lễ Quốc khánh... và lan tỏa ý nghĩa về các ngày lễ, Tết đó đến những người xung quanh.

Sau nhiều năm học tập tại Quảng Ngãi, Lat ngưỡng mộ tinh thần, ý chí nỗ lực học tập của các sinh viên người Việt. Nhiều phụ huynh Việt Nam tôn trọng sự học, khích lệ, động viên con cái học hành, tạo điều kiện cho con tham gia các lớp học về năng khiếu. Lat bộc bạch, từng là du học sinh tại Việt Nam giúp tôi mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn tại Lào. Trong tương lai, khi trở về Lào sinh sống, làm việc, thì quãng thời gian gắn bó với vùng đất Ấn - Trà sẽ là những kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên. Tôi sẽ kể cho bạn bè, đồng nghiệp của tôi nghe những tình cảm mà vùng đất này đã dành cho mình.

BẢO HÒA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202409/chang-trai-lao-yeu-quang-ngai-b1213bb/