Thách thức và cơ hội khi áp dụng chuẩn nghèo mới
ĐBP - Hộ nghèo tỉnh ta tăng từ 27,33 (năm 2021) lên 34,9% (2022) sau khi áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Chuẩn nghèo đa chiều hướng tới bảo đảm mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Bởi vậy dù tỷ lệ hộ nghèo tăng nhưng không có nghĩa làm lu mờ các kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn giúp đánh giá toàn diện, là cơ sở củng cố, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án phát triển, bình đẳng cho các đối tượng. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội trong công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp được nhiều địa phương xác định là mũi nhọn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tận dụng lợi thế đất đai để tạo việc làm cho người lao động. Trong ảnh: Người dân xã Noong Luống, huyện Điện Biên phát triển rau an toàn.
Tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, ngày 27/1/2021 của Chính phủ, chuẩn nghèo mới có nhiều tiêu chí với cấp độ, mức độ cao hơn so với chuẩn nghèo giai đoạn trước. Theo đó tiêu chí về thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 2 lần đối với chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 (chuẩn cũ tương ứng là 700 nghìn đồng và 900 nghìn đồng). Hộ nghèo là hộ có mức thu nhập dưới tiêu chí trên và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Việc tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản tăng từ 5 chiều lên 6 chiều với 12 chỉ số (chuẩn cũ 10 chỉ số), bổ sung chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm; sửa đổi, bổ sung các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục, đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong hộ gia đình.
Áp dụng quy định chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo huyện Tuần Giáo tăng lên 49,72% (kết quả rà soát tháng 12/2021), tăng hơn 16,5% so với năm trước. Với một trong những yếu tố đó, giai đoạn 2021 - 2025, Tuần Giáo “tái nghèo”, ghi tên mình là một trong những huyện nghèo trên cả nước do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện tăng cao do đặc thù địa bàn vùng cao khó khăn, thiếu hụt nhiều chỉ số.
Tiêu biểu như chỉ số giáo dục người lớn đặt ngưỡng: Hộ gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16 - 30 tuổi không tham gia các khóa đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng. Tại các xã, bản vùng cao thì thực trạng này còn diễn ra phổ biến, nhiều người nghỉ học giữa chừng, lao động phổ thông, không có bằng cấp, chứng chỉ. Hay chỉ số việc làm: Hộ gia đình có ít nhất 1 người không có việc làm (người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, sẵn sàng/mong muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm); hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động. Tuần Giáo có nhiều lao động đi làm việc ngoại tỉnh, tuy nhiên nhiều trong số ấy không có hợp đồng lao động, và không ít người đi lao động mang tính thời vụ không ổn định.
Không riêng Tuần Giáo mà đây là thực tế chung tại địa bàn vùng cao, các huyện vùng ngoài trên địa bàn tỉnh ta. Tuy nhiên nó phản ánh đúng và toàn diện tình hình cơ sở. Dù mang lại nhiều thách thức, nhưng việc đánh gia đa chiều này cũng là cơ hội để cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn nhìn nhận đúng bản chất, nguyên nhân vấn đề, từ đó có thêm nhiều giải pháp và cách tiếp cận để thúc đẩy giảm nghèo bền vững. Đồng thời tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Ông Phạm Văn Hạnh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo cho biết: “Từ thực tế ấy, một trong những nhiệm vụ để xóa đói giảm nghèo mà Tuần Giáo tập trung vào đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phối hợp với các công ty uy tín trong và ngoài địa bàn tuyển dụng lao động đi làm ổn định, có giao kết hợp đồng lao động cùng các chế độ tốt. Là một huyện nghèo, Tuần Giáo cũng có cơ hội được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo với nhiều nguồn lực. Tuy nhiên đây chỉ là bàn đạp để huyện vươn lên. Huyện chủ trương phấn đấu mỗi năm giảm 7 - 8% hộ nghèo, vượt chỉ tiêu nghị quyết (nghị quyết 4,5 - 5%) và đăng ký ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025”.
Còn đối với huyện Điện Biên, tỷ lệ hộ nghèo tăng từ 9,5% lên 11,9% khi áp dụng chuẩn nghèo 2021 - 2025. Nhiều hộ tái nghèo khi rà soát cuối năm 2021. Ông Chu Quốc Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho rằng: “Ngoài các chiều thiếu hụt của chuẩn nghèo giai đoạn trước, chuẩn nghèo giai đoạn mới bổ sung chiều việc làm. Đây là chiều phản ánh thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. Chỉ số việc làm gắn với thu nhập cũng sẽ là một trong những cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo giai đoạn tới để có các giải pháp tác động phù hợp, thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện, có thời gian”.
Từ đó, huyện Điện Biên đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác giảm nghèo, bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo bền vững; tiếp tục phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn; khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy tính chủ động, tham gia tích cực của nhân dân về thực hiện giảm nghèo bền vững; phân bổ nguồn lực ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo; lồng ghép nguồn vốn với 2 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác...
Có thể khẳng định việc xét hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tác động toàn diện đến người nghèo, là cơ hội để hướng tới đảm bảo mức sống tối thiểu, đồng thời đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân.