Thách thức với Chính phủ mới của Pháp
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa thông qua thành phần Chính phủ mới của tân Thủ tướng Michel Barnier, với toàn bộ 39 thành viên đều thuộc các đảng trung dung và cực hữu.
Sự kiện diễn ra hơn hai tháng sau cuộc bầu cử hồi đầu tháng 7 dẫn tới một “Quốc hội treo” và làm sâu sắc thêm sự chia rẽ chính trị tại Pháp.
Tân Chính phủ Pháp sẽ có 17 bộ trưởng, trong đó 7 người thuộc liên minh trung dung của Tổng thống Macron và 3 người thuộc đảng bảo thủ Những người Cộng hòa của ông Barnier.
Trong số các vị trí chủ chốt, ông Jean-Noel Barrot sẽ thay thế ông Stephane Sejourne là Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao. Ông Barrot, 41 tuổi, một chính trị gia trung dung được biết đến với công trình chuyển đổi kỹ thuật số và các vấn đề châu Âu. Ông có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế phức tạp, đặc biệt là trong Liên minh châu Âu.
Ông Sébastien Lecornu tiếp tục được bổ nhiệm là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp. Ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố năng lực quân sự của Pháp, bao gồm hiện đại hóa các hệ thống phòng thủ và quản lý viện trợ quân sự cho Ukraine.
Thành phần và định hướng của chính phủ Pháp rất quan trọng bởi nước này có tiếng nói quan trọng hàng đầu trong chính sách của Liên minh châu Âu, là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và là thành viên có vũ khí hạt nhân và quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tuy nhiên với việc gạt các đảng cánh tả và cực tả sang một bên dù những đảng này đã giành được kết quả cao trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, tân Thủ tướng Pháp Michel Barnier sẽ phải đối mặt với không ít những thách thức. Các chính trị gia đối lập cánh tả đã tuyên bố họ sẽ thách thức chính phủ mới thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/thach-thuc-voi-chinh-phu-moi-cua-phap-267398.htm