Thách thức với nước Mỹ
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là Mỹ có chính phủ mới, tuy nhiên Xứ cờ hoa đang đứng trước những thách thức kinh tế lớn đòi hỏi chính phủ mới phải giải quyết kịp thời.
Ngay trước thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nhận định Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể về vấn đề thuế và chi tiêu trong năm 2025, đồng thời cảnh báo về sự suy yếu gần đây trong hoạt động quản trị công.
Trong những năm gần đây, Quốc hội Mỹ trải qua nhiều cuộc tranh luận gay gắt về biện pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Việc cân bằng giữa việc tăng thuế, cắt giảm chi tiêu hay kết hợp cả hai luôn là một điểm nóng trong các cuộc tranh luận chính trị giữa các nhà lập pháp.
Tình hình này dự kiến sẽ càng trở nên phức tạp hơn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã cam kết bảo vệ các khoản chi cho phúc lợi xã hội đồng thời cũng hứa gia hạn các đợt cắt giảm thuế sẽ hết hạn vào cuối năm.
Mặc dù đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát cả hai viện Quốc hội và Nhà trắng, nhưng thế đa số tại Hạ viện lại rất sít sao. Điều này có thể gây ra những khó khăn trong việc thông qua các quyết định liên quan đến ngân sách, nhất là các vấn đề nhạy cảm như tăng trần nợ công và phê duyệt ngân sách.
Về gói ngân sách mới đang gây bất đồng, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cho biết kế hoạch của ông là chuyển gói ngân sách từ Hạ viện lên Thượng viện vào đầu tháng 4, để bảo đảm dự luật có thể được ban hành thành luật trước cuối tháng 4 tới.
Mục tiêu chính của gói ngân sách này là giải quyết các vấn đề quan trọng, bao gồm các chính sách về nhập cư, kiểm soát biên giới, cải cách thuế, năng lượng cũng như nâng trần nợ công. Giới quan sát nhận định để thực hiện kế hoạch này, ông Johnson sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, nhất là khi đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện với thế đa số rất mong manh, chỉ 219 ghế so với 215 ghế của đảng Dân chủ.
Trong khi đó tại Thượng viện, với 53 ghế, đảng Cộng hòa có kế hoạch sử dụng quy trình “hòa giải” ngân sách để thông qua gói chương trình nghị sự khổng lồ này, cho phép họ bỏ qua ngưỡng 60 phiếu bầu tối thiểu.
Tuy nhiên, chính trong nội bộ đảng Cộng hòa chưa thật sự thống nhất về dự luật. Một số lãnh đạo Cộng hòa trong Thượng viện, trong đó có lãnh đạo đa số Thượng viện John Thune, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, và Stephen Miller (người sẽ là Phó chánh văn phòng Nhà trắng về chính sách), đã ủng hộ chiến lược chia thành hai dự luật.
Theo đó, đảng Cộng hòa sẽ thông qua các dự luật về biên giới và cấp phép năng lượng, rồi mới chuyển sang cải cách thuế. Tuy nhiên, ông Johnson quyết định theo đuổi một chiến lược duy nhất với một gói ngân sách hòa giải tổng hợp, điều đang nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo đảng Cộng hòa, như Thượng nghị sĩ Bill Cassidy và Thượng nghị sĩ Jim Banks.
Chủ tịch Hạ viện cho rằng việc gộp tất cả các vấn đề quan trọng lại thành một gói duy nhất sẽ giúp đẩy nhanh quá trình và mang lại cơ hội để đạt được sự đồng thuận lớn hơn trong đảng Cộng hòa, nhằm đạt được các mục tiêu chính trị quan trọng như bảo vệ biên giới, tăng cường quân đội và bảo đảm các cắt giảm thuế tiếp tục có hiệu lực.
Trong khi đó, trần nợ công của Mỹ đã được khôi phục vào ngày 2/1, trở thành một thách thức gây chia rẽ mà các nghị sĩ đảng Cộng hòa phải đối mặt vào năm 2025. Tổng thống đắc cử Donald Trump đang yêu cầu các nhà lập pháp đảng Cộng hòa giải quyết vấn đề trần nợ trước khi ông nhậm chức vào ngày 20/1. Hiện nay mức nợ của Mỹ là hơn 36.100 tỷ USD và dự báo có thể thủng trần trong khoảng từ ngày 14/1 đến ngày 23/1. Do vậy, Bộ Tài chính phải thực hiện ngay những biện pháp đặc biệt để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ.
Theo Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng, việc Quốc hội phải giải quyết vấn đề nan giải về trần nợ trong bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào số tiền thuế liên bang thu được vào mùa xuân này, tốc độ chi tiêu các quỹ hỗ trợ thiên tai bổ sung, luật chi tiêu liên bang bổ sung và tình hình của nền kinh tế.
Việc vỡ nợ cũng có thể làm rung chuyển nền kinh tế và thị trường chứng khoán toàn cầu, đồng thời có thể khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên, làm tăng chi phí đi vay. Các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện vào tháng trước đã đưa ra ý tưởng nâng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD vào năm 2025 trong dự luật đối chiếu ngân sách, trong đó bao gồm việc cắt giảm chi tiêu bắt buộc ròng 2.500 tỷ USD, giúp Mỹ lùi chạm mức trần nợ mới vào nửa cuối năm 2025.
Trong bối cảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức lớn về chính sách tài khóa trong năm 2025 liên quan đến mức trần nợ, các khoản phân bổ và cắt giảm thuế trong bối cảnh thâm hụt vốn ở mức lớn và gánh nặng nợ ngày càng tăng, theo đánh giá của Fitch, khó có khả năng những vấn đề này sẽ được giải quyết nhanh chóng, xuất phát từ những điểm yếu lâu nay trong quy trình phân bổ ngân sách của chính phủ liên bang và thế đa số mong manh của đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Fitch nhận định việc không có một quy trình lập ngân sách thống nhất và những tranh cãi chung quanh các chính sách thuế cũng như chi tiêu mới sẽ khiến việc ra quyết định trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng tới khả năng quản lý tài chính của Chính phủ mới của Mỹ.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thach-thuc-voi-nuoc-my-post855521.html