Thách thức với tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte
Ngày 1-10, ông Mark Rutte chính thức đảm nhiệm chức vụ Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau hơn một chục năm làm Thủ tướng Hà Lan. Ông sẽ cần tất cả các kỹ năng ngoại giao của mình để dẫn dắt liên minh trong thời điểm đầy thách thức.
Hồi tháng 7-2023, ông Mark Rutte tuyên bố sẽ từ chức Thủ tướng Hà Lan sau khi liên minh chính phủ sụp đổ vì những khác biệt trong chính sách di cư. Tuy nhiên, đến tháng 10 năm đó, ông Rutte thể hiện sự quan tâm đến việc kế nhiệm Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, người tuyên bố sẽ rời khỏi vị trí này vào tháng 9-2024 sau một thập kỷ lãnh đạo liên minh.
Trong nhiều tháng, ông Mark Rutte đã âm thầm thực hiện chiến dịch vận động để giành được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo NATO, hầu hết đã quen biết ông từ hơn 13 năm ông làm Thủ tướng Hà Lan và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Vị chính khách xuất phát điểm từ một nhà sử học này là ứng cử viên được Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu yêu mến. Trong số này, mặc dù từ chối các kế hoạch cải cách đầy tham vọng và các ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Rutte lại rất hợp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ông cũng có mối quan hệ tốt với bà Giorgia Meloni - Thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu của Italia.
Nan giải nhất là vấn đề Ukraine
Nhưng để giành được sự ủng hộ của Thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu của Hungary Viktor Orban, ông Rutte phải mất nhiều thời gian hơn bởi cả hai không có cùng một số quan điểm.
Đặc biệt, Thủ tướng Orban đã đặt điều kiện rằng, nếu ông Rutte là lãnh đạo cao nhất của liên minh quân sự NATO, Hungary sẽ không bao giờ phải tham gia vào các hoạt động hỗ trợ Ukraine bên ngoài lãnh thổ khối này. Ông Orban vẫn duy trì mối quan hệ hữu nghị với Nga nên đã loại trừ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Trong khi đó, ông Mark Rutte là người ủng hộ trung thành của Ukraine và đã giám sát việc cung cấp vũ khí cho Kiev, bao gồm cả lựu pháo và máy bay F-16 của Hà Lan. Tuy nhiên, bản thân quân đội Hà Lan đã bị thiếu kinh phí trong suốt những năm ông Rutte nắm quyền. Năm nay sẽ là lần đầu tiên Hà Lan chi 2% GDP cho quốc phòng, phù hợp với mục tiêu chi tiêu của NATO.
Tạo sự đồng thuận trong NATO
Chính trị gia lão làng Mark Rutte có kinh nghiệm điều phối các liên minh ở Hà Lan, nhưng hiện ông đang lãnh đạo một NATO gồm 32 quốc gia thành viên để đưa ra sự đồng thuận cần thiết cho mọi quyết định của tổ chức. Bà Oana Lungescu - cựu phát ngôn viên NATO, người phục vụ lâu nhất trong vai trò đó, tin rằng đây sẽ là thách thức lớn nhất của ông Mark Rutte.
“Tổng thư ký NATO không chỉ là một thư ký mà còn là một vị tướng, tất nhiên là về mặt chính trị. Ông ấy phải thể hiện được khả năng lãnh đạo cần thiết để thúc đẩy liên minh, vì việc đạt được sự đồng thuận có thể mất thời gian, có thể lộn xộn, có thể gây nản lòng nhưng điều quan trọng là phải thể hiện được định hướng chính trị và thể hiện được sự tiến bộ”, bà Oana Lungescu nhận định.
Thích nghi với cuộc sống mới
Tuy nhiên, một trong những thách thức khác với ông Mark Rutte có thể là phải thích nghi với cuộc sống được dư luận chú ý hơn.
Khi còn là Thủ tướng Hà Lan, ông nổi tiếng với việc đạp xe từ ngôi nhà khiêm tốn của mình ở The Hague đến văn phòng làm việc. Còn ở Brussels, ông khó có được sự tự do như vậy, nhưng bà Lungescu hy vọng, tân Tổng thư ký NATO sẽ tìm được thời gian để giải tỏa căng thẳng giống như hai người tiền nhiệm trực tiếp của mình.
Được biết, hai người tiền nhiệm Jens Stoltenberg và Anders Fogh Rasmussen cũng là những người đam mê đạp xe. Vì vậy, đôi khi có thể bắt gặp họ đạp xe, chạy bộ hoặc tập thể dục trong rừng quanh Brussels.
Nhưng bà Lungescu lưu ý, việc trở thành người đứng đầu NATO có nghĩa là phải tuân theo một số nhu cầu không thể tránh khỏi của vị trí cấp cao. “Đó sẽ là một sự đánh đổi thú vị giữa an ninh và sự cởi mở với người khác. Trong tình hình hiện tại, tôi nghĩ là bao gồm cả 2 yếu tố đó”, bà Lungescu nói.
Theo DW
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thach-thuc-voi-tan-tong-thu-ky-nato-mark-rutte-post591383.antd