Thaco, Hòa Phát tham gia làm đường sắt, FPT đưa AI vào lớp 1, Vingroup phát triển robot học

Để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn đã kiến nghị, cam kết tham gia, phát triển những lĩnh vực quan trọng như Thaco, Hòa Phát tham gia làm đường sắt, FPT đưa AI vào lớp 1, Vingroup phát triển robot học…

Thaco sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị

Tại hội nghị giữa Thường trực Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 10/2, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho biết, Thaco đã trở thành một tập đoàn công nghiệp đa ngành, tập trung vào các ngành như ô tô, nông nghiệp, cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, đầu tu xây dựng thương mại dịch vụ và logistics. Thaco đang kiểm soát 32% thị phần sản xuất ôtô. Năm 2024 Thaco đã bán 92.000 xe và dự kiến 100.000 xe trong năm 2025 chủ yếu là xe lai, xe hybrid – xe vừa động cơ điện vừa động cơ xăng. Tỉ lệ nội địa hóa xe du lịch từ 27 đến 40%, xe tải trên 50% và xe bus là trên 70%.

Dự kiến vào tháng 9/2025, chúng tôi sẽ khởi công Khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô 700 ha. Hiện nay, tại khu vực phía Nam, các doanh nghiệp FDI rất cần các doanh nghiệp trong nước cung cấp linh kiện và thiết bị máy móc để giảm giá thành và chi phí logistics.

“Cùng với định hướng của Thủ tướng hôm nay, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng trong quá trình thăm, làm việc tại miền Trung, Chu Lai, Quảng Nam và Thaco, chúng tôi sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép”, ông Dương khẳng định.

Theo ông Dương, với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, Thaco hứa với sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành. Đồng thời, đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm.

Vingroup cam kết tiên phong thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của đất nước

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup: Với nhận thức doanh nghiệp tư nhân là động lực của nền kinh tế, trong những năm qua Vingroup đã không ngừng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực mang tính chiến lược như hạ tầng năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số, công nghiệp hỗ trợ nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn phát triển bền vững. Điển hình là Vinfast, một dự án mà chúng tôi đã kỳ vọng tạo nên hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng xanh, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.

Bên cạnh công nghiệp hỗ trợ và năng lượng xanh, Vingroup cũng thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong quản lý vận hành. Các lĩnh vực về nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn được chúng tôi triển khai để tối ưu hóa sản xuất, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.

Mới đây Vingroup đã đặt chân vào lĩnh vực sẽ là xu hướng của tương lai là robot học, người máy đa năng với việc thành lập 2 công ty mới và VinRobotics, Vin Motion để phát triển các giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp và tạo ra những lợi ích thiết thực bền vững và nhân văn cho con người.

Trong hành trình phát triển, Vingroup xác định việc nghiên cứu và đổi mới công nghệ là yếu tố cốt lõi để nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học, hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn về công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi phương tiện gây ô nhiễm, phát triển công nghệ số đòi hỏi phải phát triển năng lượng, tôi xin đề xuất cần có cơ chế chính sách thông thoáng hơn để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia kinh doanh điện, góp phần đảm bảo đủ sản lượng, giảm giá thành điện. Đồng thời thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật quốc gia, hoàn thiện khung pháp lý và đẩy mạnh áp dụng các hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư như xây dựng vận hành được giao BOT, xây dựng-sở hữu-vận hành BOO, xây dựng – chuyển giao (BT).

FPT: Bình dân hóa trí tuệ nhân tạo

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, thứ nhất, phải giải phóng tiềm lực khoa học công nghệ vì mối quan hệ giữa GDP và tiềm lực khoa học công nghệ vẽ thành một đồ thị parapol đi lên, nghĩa là khi tăng trưởng GDP thì trình độ khoa học đi lên.

“Trước những cơ hội đó, tôi đề nghị "bình dân AI vụ". Ngày trước, vào những năm khó khăn nhất, những năm kháng chiến khi chính quyền còn yếu, còn nghèo, Bác Hồ đặt vấn đề "bình dân học vụ". Bây giờ là cơ hội đến, đặc biệt trong dịp Tết này chúng ta nghe nhiều về DeepSeek. DeepSeek làm cho "bình dân hóa trí tuệ nhân tạo", tức là các công ty nhỏ cũng làm được, các công ty vừa và nhỏ cũng đã áp dụng được”, ông Bình nói.

Song song với đó, Chủ tịch FPT mong rằng, nhanh nhất có thể đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của tất cả hệ thống giáo dục. Theo ông Bình, FPT là những người trực tiếp triển khai vào hệ thống giáo dục có thể đưa cả vào lớp 1 được, nhưng cần nhất là vai trò của nhà nước, chỉ đạo bằng được để Việt Nam sớm trở thành quốc gia về trí tuệ nhân tạo…

Hòa Phát: Dự kiến lập nhà máy sản xuất đường ray phục vụ đường sắt

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, Hòa Phát cam kết giai đoạn 2025 đến 2030 phát triển tối thiểu 15%.

Theo ông Long, hiện nay toàn bộ ngành thép Việt Nam nhập khẩu khoảng 30 triệu tấn quặng làm nguyên liệu sản xuất thép, chiếm 95%.

Trong khi đó, chúng ta có 2 mỏ sắt lớn là Quý Sa và Thạch Khê (Hà Tĩnh) trong đó mỏ sắt Thạch Khê quy mô 500 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á. Vì vậy, ông Long cho rằng cần triển khai việc khai thác mỏ Thạch Khê để giải quyết cơ bản nguồn nguyên liệu hàng năm, tiết kiệm ngoại tệ.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hòa Phát, giai đoạn 2025- 2030 vốn đầu tư công rất lớn, trong đó đặc biệt là dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Tp.HCM, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Đây là thời cơ rất lớn cho doanh nghiệp.

Bản thân Hòa Phát, thời gian tới, Hòa Phát có thể đầu tư nhà máy sản xuất ray, đầu tư 10 ngàn tỉ đồng. “Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Cho nên chúng tôi rất mong có 1 văn bản như một Nghị quyết để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án. Hòa Phát xin hứa đảm bảo cung cấp thép chế tạo cho Tổng Công ty đường sắt để làm dự án. Theo dự kiến, cần khoảng 10 triệu tấn thép, HP cam kết đảm bảo số lượng 10 triệu tấn, chất lượng, tiến độ giao hàng và giá thấp hơn giá nhập khẩu”, ông Long nhấn mạnh.

An Nhiên

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thaco-hoa-phat-tham-gia-lam-duong-sat-fpt-dua-ai-vao-lop-1-vingroup-phat-trien-robot-hoc-d55772.html