Thái Bình: Cần nhanh chóng kiểm tra, xử lý tình trạng sạt lở bờ sông Thái Bình

Ven sông Thái Bình (sông Hóa) khu vực bến đò Gảnh, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình) xuất hiện tình trạng sạt lở, xâm thực tiềm ẩn nhiều rủi ro đến tài sản, tính mạng của người dân.

Theo phản ánh của người dân, khu vực bến đò Gảnh thuộc địa bàn xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình) đang có dấu hiệu sạt lở, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các hộ nuôi trồng thủy sản. Tiếp nhận thông tin phản ánh, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã nhiều ngày có mặt tại khu này để ghi nhận thực tế.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay tại khu vực tiếp giáp với đồn Biên phòng xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy đang bị sạt lở, xâm thực nghiêm trọng, hàng chục mét bờ sông đã bị nước nhấn chìm.

Ngoài khu vực tiếp giáp đồn Biên phòng thì tại khu vực bến tạm trước cửa đồn biên phòng đã được bê tông hóa, kè bê tông chắc chắn nhưng cũng đang có hiện tượng khoét hàm ếch, ăn sâu vào khu vực gầm sàn bê tông kiên cố dẫn đến nứt gãy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người dân, tàu bè qua lại.

Khu vực sạt lở khiến một đoạn đường đã biến mất hoàn toàn, rất nguy hiểm khi triều cường tăng cao.

Khu vực sạt lở khiến một đoạn đường đã biến mất hoàn toàn, rất nguy hiểm khi triều cường tăng cao.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Cao Viết (hộ dân đang nuôi trồng thủy sản tại khu vực đò Gảnh) cho biết: Khu vực sạt lở này trước đây là một con đường dẫn vào các đầm nuôi trồng thủy sản. Trước đây, con đường có chiều rộng khoảng 4 mét nhưng đến thời điểm hiện tại do xói mòn, sạt lở và một số tác động từ con người khiến một đoạn đường gần như biến mất hoàn toàn.

Một số vị trí khác cạnh bờ sông cũng bị khoét hàm ếch dẫn đến tình trạng sạt lở đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Người dân vất vả và nguy hiểm khi di chuyển vào khu vực gia đình đang nuôi trồng thủy sản.

Người dân vất vả và nguy hiểm khi di chuyển vào khu vực gia đình đang nuôi trồng thủy sản.

“Tình trạng sạt lở đã diễn ra cách đây nhiều năm, nhưng thời gian gần đây thì càng trở nên nghiêm trọng hơn. Việc bờ sông bị sạt lở nhưng không được khắc phục kịp thời đã khiến cho việc canh tác của người dân trở nên khó khăn và nguy hiểm. Đặc biệt, những ngày nước dâng cao, chúng tôi phải lội nước để đi ra vào làm gia đình chúng tôi rất bất an vì có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào. Dù biết nguy hiểm, nhưng đây là con đường duy nhất để phục vụ việc canh tác, sản xuất nên đành phải chịu”, ông Viết nói.

 Khu vực bến tạm đã được gia cố, bê tông hóa phía trước mặt đồn Biên phòng xã Thụy Trường đang bị nứt gẫy, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Khu vực bến tạm đã được gia cố, bê tông hóa phía trước mặt đồn Biên phòng xã Thụy Trường đang bị nứt gẫy, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo nhiều người dân chia sẻ, khu vực diễn ra sạt lở nghiêm trọng nhất nằm tiếp giáp đồn Biên phòng và một số đầm nuôi trồng thủy sản của các hộ dân; nếu tình trạng sạt lở không được xử lý dứt điểm, qua thời gian dài kết hợp cùng triều cường và tàu bè qua lại làm sóng đánh mạnh sẽ dẫn tới trình trạng sạt lở càng thêm nghiêm trọng.

Quá trình xâm thực tiếp tục lấn sâu vào khu vực nuôi trồng thủy sản không chỉ cản trở việc lưu thông, vận chuyển các đồ thiết yếu phục vụ sản xuất mà còn dẫn đến nguy cơ bị thiệt hại về tài sản, đe dọa đến tính mạng người dân.

Một số điểm sạt lở bị khoét hàm ếch, có dấu hiệu tiếp tục xâm thực nghiêm trọng.

Một số điểm sạt lở bị khoét hàm ếch, có dấu hiệu tiếp tục xâm thực nghiêm trọng.

Liên quan đến sự việc, sáng ngày 29/07/2024, phóng viên đã trực tiếp liên hệ với Hạt quản lý đê điều huyện Thái Thụy để phản ánh tình trạng sạt lở tại khu vực nêu trên. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Minh Tuấn - Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều huyện Thái Thụy chia sẻ: Vị trí sạt lở mà phóng viên phản ánh là khu vực bãi biển thuộc đê biển gần cửa sông Thái Bình. Và vị trí này nằm ngoài phạm vi quản lý trực tiếp của Hạt quản lý đê điều. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý và thực hiện các chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai, Hạt quản lý đê điều vẫn có một phần trách nhiệm để đảm bảo an toàn hành lang thoát lũ cũng như bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân đang sinh sống, kinh doanh sản xuất trong khu vực.

"Chúng tôi xin cảm ơn và tiếp nhận những thông tin phản ánh của phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường. Đồng thời, Hạt quản lý đê điều sẽ cử cán bộ xuống hiện trường để phối hợp làm việc cùng chính quyền xã để kiểm tra, ghi nhận thực tế. Tiếp đó, chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể đến các cấp có thẩm quyền để kịp thời có những giải pháp khắc phục, tránh trường hợp rủi ro xảy ra trong mùa mưa lũ sắp tới", ông Tuấn nói.

Do tình trạng sạt lở đã xuất hiện trong thời gian dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro, chính quyền xã Thụy Trường đã cho cắm biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm để nâng cao cảnh giác cho người dân đi lại và hoạt động quanh khu vực trên.

Do tình trạng sạt lở đã xuất hiện trong thời gian dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro, chính quyền xã Thụy Trường đã cho cắm biển cảnh báo sạt lở nguy hiểm để nâng cao cảnh giác cho người dân đi lại và hoạt động quanh khu vực trên.

Trong thời gian qua, trước diễn biến thời tiết bất thường, ở nhiều địa phương trên cả nước đã xảy ra tình trạng sạt lở, gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân. Đặc biệt hơn nữa, trước mùa mưa bão năm 2024, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo khẩn liên quan đến công tác phòng, chống lụt bão, sạt lở nhằm giảm thiểu thiệt hại về tài sản và tính mạng người dân.

Với tình hình sạt lở tại bờ sông Thái Bình (đoạn qua địa bàn xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đang ngày một nghiêm trọng, thiết nghĩ chính quyền các cấp cần quan tâm, chỉ đạo, nhanh chóng khắc phục, đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo an toàn về tài sản cũng như tính mạng của các hộ dân đang sinh sống và thường xuyên di chuyển, hoạt động tại khu vực sạt lở.

Căn cứ tại Điều 4 Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển ban hành kèm theo Quyết định 01/2011/QĐ-TTg, có quy định về phân loại mức độ sạt lở như sau:

Sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến đối tượng cần bảo vệ trong thời gian ngắn, gồm:

a) Sát chân đê hoặc trong phạm vi bảo vệ đê từ cấp đặc biệt đến cấp III, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê.

b) Gây nguy hiểm trực tiếp đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên.

c) Đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng gồm; sân bay, đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ; bến cảng quốc gia; hệ thống điện cao thế từ 66KV trở lên; trường học, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên.

Sạt lở nguy hiểm, gồm:

a) Có nguy cơ ảnh hưởng đến đê nhưng còn ngoài phạm vi bảo vệ đê từ cấp đặc biệt đến cấp III hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đê dưới cấp III.

b) Ảnh hưởng đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan.

c) Có nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng gồm: sân bay, đường sắt, đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ; bến cảng; hệ thống điện cao thế và trung thế; di tích lịch sử, văn hóa; trường học, bệnh viện, trạm y tế.

Sạt lở bình thường: những sạt lở khác, không thuộc quy định tại khoản 1 và 2 của Điều này.

Thanh Tùng - Cao Hiếu - Hải Long

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thai-binh-can-nhanh-chong-kiem-tra-xu-ly-tinh-trang-sat-lo-bo-song-thai-binh-91062.html