Thái Bình: Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng lên
Từ khi triển khai Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình ngày càng hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng lên, đến nay, tổng nợ quá hạn là 3.529 triệu chiếm tỷ lệ 0,12%/tổng dư nợ; so với cuối năm 2014 tỷ lệ nợ quá hạn giảm 0,02%/tổng dư nợ.
Vốn là vùng đất nông nghiệp, được mệnh danh “quê lúa” nên nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội càng ý nghĩa hơn với bà con nông dân tại Thái Bình. Đặc biệt, từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị 40-CT/TW) đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền đoàn thể, của đội ngũ cán bộ, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, ngưới đứng đầu các cấp trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Duy Mỡi - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Phụ 5 năm qua, các cấp Hội đoàn thể nói chung và Hội Nông dân huyện Quỳnh Phụ nói riêng luôn nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đem lại nhiều tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ nhận thức đó, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp đã tăng cường chỉ đạo cấp hội cơ sở phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, chăm lo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV.
Đến thời điểm hiện nay, bốn tổ chức đoàn, hội trong huyện Quỳnh Phụ gồm Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên đã ủy thác cho vay 10 chương trình với 13.823 hộ có dư nợ, tổng số dư nợ là 407,710 tỷ đồng; So với năm 2014 tăng thêm 03 chương trình cho vay, tổng dư nợ tiền cho vay tăng thêm 119,426 tỷ đồng. 5 năm qua, công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Quỳnh phụ đã góp phần giúp 9.174 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm mới cho 582 lao động, xây dựng được 477 căn nhà cho hộ nghèo làm nhà ở, xây mới 24.632 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; Nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi có hiệu quả, không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.
Tại xã Đông Lâm, một xã ven biển của huyện Tiền Hải vào thời điểm Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40 cũng là năm xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chính vì thế Chỉ thị này càng được các cấp ủy, chính quyền làm tích cực triển khai. Ông Phạm Trọng Ủy-Bí thư Đảng ủy xã Đông Lâm cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã, Ban giảm nghèo, các đơn vị nhận ủy thác, ủy nhiệm, đặc biệt là sự vào cuộc chỉ đạo của Ban chi ủy, lãnh đạo các thôn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phối hợp cùng NHCSXH huyệngiải quyết các công việc có liên quan đảm bảo đúng nguyên tắc quy định để thực hiện giải ngân kịp thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân theo đúng đối tượng thụ hưởng. Tính đến ngày 20/7/2019 tổng dư nợ xã Đông Lâm đạt là 12.045 triệu đồng, tăng so với 31/01/2015 là 2.073 triệu đồng với 415 hộ đang có dư nợ. Và là xã không có nợ quá hạn.
Có được thành quả này, theo ông Phạm Trọng Ủy là do xã Đông Lâm triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40, trong đó chỉ đạo quyết liệt hơn đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng lên; nguồn vốn được đầu tư đúng đối tượng.
Nhìn rộng ra toàn tỉnh Thái Bình, sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 40, NHCSXH đã thực hiện giải ngân vốn chính sách tín dụng ưu đãi cho 221.149 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận đồng vốn tín dụng ưu đãi để phục vụ hoạt động dịch vụ, sản xuất kinh doanh với số tiền gần 4.104 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 59.835 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; trên 71 ngàn hộ gia đình xây dựng được trên 181.482 công trình nước sạch, công trình vệ sinh đảm bảo môi trường; hơn 8.000 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn chương trình Học sinh sinh viên giúp hơn 8.299 học sinh, sinh viên trang trải các khoản chi phí học tập sinh hoạt...
Bên cạnh nguồn vốn Trung ương, 5 năm qua, UBND các cấp đã quan tâm dành một phần ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH, để bổ sung nguồn vốn cho vay với số tiền hơn 40,4 tỷ đồng chiếm 1,39% tổng nguồn vốn.
Khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, là “kim chỉ nam” quan trọng trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ông Ngô Đông Hải – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy cho biết, để tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc hơn về vai trò vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội của địa phương một cách bền vững; tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH; ưu tiên dành nhiều nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Đồng chí Ngô Đông Hải cũng yêu cầu, các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thường xuyên việc điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện cho các đối tượng này được kịp thời vay vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH. Chủ động xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện cho NHCSXH phát triển ổn định và bền vững.