Thái Bình chủ động ứng phó với bão số 3

Trước tình hình phức tạp của cơn bão số 3, chiều 4/9, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với bão số 3.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3 (tên quốc tế là Yagi); UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu chính quyền các địa phương cũng như đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các phương án theo chỉ đạo của Công điện số 10/CĐ-PCTT ban hành ngày 03/9/2024 của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Một là, bằng mọi biện pháp kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn các tàu, thuyền vào nơi tránh, trú an toàn, sắp xếp không để xảy ra va chạm và chìm tàu tại nơi neo đậu cũng như chỉ đạo khẩn trương chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, bến cảng, xí nghiệp, biển hiệu và các lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở trên sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt ở hai huyện ven biển; cắt tỉa cây lớn để đảm bảo an toàn trong trường hợp bão đổ bộ.

Hai là, cần sẵn sàng di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thủy sản, hải sản các vùng bãi thấp ven sông, ven biển vào nơi an toàn.

Ngoài ra, cần tổ chức ứng trực để chủ động vận hành các trạm bơm tiêu đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa, hoa màu và các khu vực trũng, thấp, khu công nghiệp, đô thị, dân cư tập trung.

Dự kiến đường đi của cơn bão số 3. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia

Dự kiến đường đi của cơn bão số 3. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia

Ba là, triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối, bờ bao tại các tuyến đê (đặc biệt là khu vực hạ du, cửa sông, ven biển); đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao ven cửa sông, ven biển đề phòng bão kết hợp triều cường gây tràn, vỡ bờ bao, đê bối. Nếu phát hiện thấy công trình không đảm bảo an toàn, phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.

Bốn là, bố trí lực lượng để hướng dẫn, cảnh báo người dân tại các bến đò ngang không tiến hành các hoạt động tại những khu vực nguy hiểm, gần các cổng qua đê, cầu giao thông, các khu vực ven sông có dòng chảy xiết để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Ngoài ra, cần tăng cường thông tin tuyên truyền đến người dân để tổ chức, người dân biết diễn biến của bão và chủ động phòng, chống bão, tránh tư tưởng lơ là, chủ quan.

Cũng trong Công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình giao cho các lực lượng vũ trang trong tỉnh chủ động huy động cán bộ, chiến sỹ xuống địa phương hỗ trợ chính quyền và nhân dân các cấp chống bão, hộ đê.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 10h ngày 4/9, vị trí tâm bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) vào khoảng 19,0 độ vĩ Bắc; 117,5 độ kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 730km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 10km/h.

Đến 7h sáng mai, tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 470km về phía đông, cường độ bão mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 17.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão giữ nguyên hướng đi, tốc độ và cường độ tiếp tục mạnh thêm. Đến 7h sáng 6/9, tâm bão ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120km về phía đông, cường độ bão mạnh cấp 14-15, giật trên cấp 17.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đi vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) rồi vào vịnh Bắc Bộ. Đến 10h ngày 7/9, tâm bão ở trên khu vực vịnh Bắc Bộ, cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 16.

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, khả năng bão đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, cường độ tiếp tục giảm dần. Do ảnh hưởng của bão số 3, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, biển động dữ dội.

Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thai-binh-chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-3-343368.html