Thái Bình: Đền Nội Thôn đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa

Nằm trong chuỗi sự kiện văn hóa thể thao truyền thống tại địa phương, ngày 17/4 UBND xã Tây Đô (Thái Bình) đã tổ chức lễ hội chùa và đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - Đền Nội Thôn.

Tham dự có ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, đại diện lãnh đạo chính quyền huyện Hưng Hà và lãnh đạo chính quyền nhân dân xã Tây Đô cùng nhiều du khách thập phương tụ hội tham gia vào các hoạt động lễ hội văn hóa thể thao trên địa bàn.

Đền Nội Thôn, thuộc xã Tây Đô được xây dựng vào thời Nguyễn. Vị trí đền trước đây sát khu vực cổng chùa hiện nay. Kiến trúc Đền được làm theo kiểu chữ Đinh gồm tòa Tiền tế ba gian, tòa Hậu cung một gian. Năm 2019, Đền bị xuống cấp nghiêm trọng, được sự quyên góp của con em xa quê và nhân dân trong thôn Nội Thôn đã tiến hành hạ giai Đền cũ và xây dựng ở vị trí hiện nay.

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình trao bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - Đền Nội Thôn.

Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình trao bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - Đền Nội Thôn.

Đền Nội Thôn tọa lạc trong khuôn viên rộng, thoáng mát, có kiến trúc mặt bằng theo kiểu chữ Đinh gồm: Tiền đường năm gian, Phật điện ba gian hoàn toàn bằng gỗ lim. Từ ngoài nhìn vào Chùa gồm các công trình sau: Cổng Tam quan, sân chùa, Tiền đường, Phật điện. Chùa Nội Thôn được xây dựng từ thời Lê và tôn tạo lại vào thời Nguyễn, thờ Phật. Đền là nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - một trong những vị thánh quan trọng của tín ngưỡng Việt Nam, được xây dựng vào thời Nguyễn, tôn tạo năm 2020.

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, đền, chùa Nội Thôn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, cất giữ đạn dược để phục vụ chiến đấu. Trải qua những thăng trầm của thời gian và tàn phá của chiến tranh nên đền, chùa Nội Thôn xuống cấp, nhân dân đã phát tâm xây dựng lại và là công trình tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Chùa, đền Nội Thôn còn lưu giữ một số hiện vật thời Lê, thời Nguyễn bằng đá, gỗ, đất có giá trị như: bia đá, tượng thờ, khám thờ, hoành phi, câu đối.

Theo lời ông Nguyễn Huy Xuân (trưởng thôn Nội Thôn, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: Di tích lịch sử đền Nội Thôn có vai trò to lớn đối với sự nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống. Bảo vệ phát huy giá trị của di tích là nguồn động lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đây là trách nhiệm của dân làng chúng tôi, di tích đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân làng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Lễ hội Chùa - Đền làng Nội Chùa được tổ chức gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra với những nghi thức thiêng liêng gồm: Tổ chức tế lễ, dâng hương và rước kiệu, đọc chúc văn tưởng nhớ, tri ân công đức của anh hùng hào kiệt có công dựng nước và giữ nước và kêu gọi tinh thần đoàn kết các dân tộc.

Trận giao hữu bóng đá sôi nổi giữa hai đội bóng đá FC Nội thôn và FC văn nghệ sỹ Hà Nội đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân địa phương.

Trận giao hữu bóng đá sôi nổi giữa hai đội bóng đá FC Nội thôn và FC văn nghệ sỹ Hà Nội đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân địa phương.

Phần hội diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như biểu diễn văn hóa nghệ thuật, hát chèo, múa hát, giao lưu các ca khúc truyền thống về quê hương đất nước giữa các nghệ sĩ, ca sĩ đến từ Thủ đô Hà Nội với bà con nhân dân địa phương và du khách thập phương.

Đáng chú ý trong chuỗi sự kiện là có trận giao lưu bóng đá giữa hai đội bóng FC Nội thôn và FC văn nghệ sỹ đến từ Thủ đô Hà Nội đã diễn ra trong không khí nhiệt tình, hào hứng, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng mỗi thành viên tham gia và người dân địa phương.

Theo Anh Quốc/ Báo Pháp Luật

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/thai-binh-den-noi-thon-don-nhan-bang-di-tich-lich-su-van-hoa-1980518.html