Thái Bình: Doanh nghiệp 'chết dần chết mòn' chờ UBND tỉnh sửa sai
UBND tỉnh Thái Bình bị 'tố' ban hành văn bản trái luật khi tạm giao đất để triển khai dự án tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư cho Tập đoàn H. thực hiện dự án khi chưa thực hiện việc thu hồi đất và hoàn thành việc xử lý giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi.
Tùy tiện lấy đất của công ty này giao cho tập đoàn khác
Vừa qua, Công lý & Xã hội đã đăng tải bài viết phản ánh việc Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Thái Bình (Công ty CPCNTT Thái Bình) kêu cứu về việc UBND tỉnh Thái Bình thu hồi đất để giao cho Tập đoàn H. thực hiện dự án trong khi chưa đền bù giá trị tài sản trên đất lên đến gần 14 tỷ đồng cho doanh nghiệp dẫn đến tình cảnh sản xuất kinh doanh trì trệ và đứng bên bờ vực phá sản.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 20/2/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên ký ban hành Văn bản số 489/UBND-NNTNMT với nội dung: “UBND tỉnh nhận được Văn bản số 238/STNMT-QLDĐ ngày 16/2/2017 về việc tạm giao đất để triển khai dự án tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư. Về việc này, UBND tỉnh chỉ đạo như sau: Đồng ý tạm giao diện tích đất đã thu hồi của Công ty CPCNTT Thái Bình tại xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư cho Tập đoàn H. theo nội dung làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và Tập đoàn H. để Tập đoàn làm lễ khởi công và triển khai dự án”.
Ông Lê Tuấn Nghiên - Giám đốc Công ty CPCNTT Thái Bình cho biết, đến nay công ty cũng chưa hiểu được lý do, căn cứ pháp lý nào để UBND tỉnh ban hành Văn bản 489? Thực tế, hiện tại GCN QSD đất khu dự án Tập đoàn H. đang sử dụng vẫn đứng tên công ty này, thời hạn sử dụng đất ghi rõ đến ngày 31/12/2056.
Theo ông Nghiên, trong văn bản có nội dung “giao diện tích đất đã thu hồi” lại càng sai vì chưa có một quyết định cụ thể nào. Việc xử lý giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất gần 14 tỷ đồng cho công ty chưa được thực hiện.
“Thế nào là “tạm giao đất”, giao tài sản hợp pháp của doanh nghiệp nhỏ cho Tập đoàn?”, ông Nghiên thắc mắc đồng thời cho rằng cuộc làm việc giữa lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và Tập đoàn H. không có sự tham gia của công ty với vai trò là chủ sử dụng hợp pháp của khu đất là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công ty.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, Luật Đất đai năm 2013 quy định nghĩa vụ bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất, theo đó nêu: Bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất. Cấp GCN QSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;
Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; Phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật;
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 53, việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng.
“Việc chưa đền bù xong cho Công ty CPCNTT Thái Bình mà đã giao đất cho Tập đoàn H. để động thổ và làm lễ khởi công dự án mới là trái với quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Thực tế khái niệm “tạm giao đất” lại càng khẳng định Văn bản số 489/UBND-NNTNMT được ban hành sai luật. Dù đã nhiều năm trong nghề tuy nhiên tôi khá bất ngờ khi tiếp cận tài liệu vụ việc và được biết cấp ban hành là UBND tỉnh và trực tiếp ký là ông chủ tịch UBND tỉnh với cấp tham mưu là Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Thái Bình”, Luật sư Diệp Năng Bình khẳng định.
Doanh nghiệp có thể kiện ra Tòa án
Sau ngày UBND tỉnh tạm giao đất cho Tập đoàn H., để đảm bảo “quyền lợi” của Công ty CPCN TT Thái Bình và thực hiện nội dung thứ 2 của Văn bản số 489, ngày 24/5/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1239/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng xác định giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi của Công ty CPCNTT Thái Bình.
Một năm sau, sau nhiều lần cân nhắc thực hiện và thanh tra, ngày 12/7/2018, UBND tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 1658/QĐ-UBND phê duyệt tổng giá trị còn lại của tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi của Công ty CPCNTT Thái Bình với là 13.849.643.567 (gần 14 tỷ đồng).
Doanh nghiệp cho rằng việc làm này là đi ngược với quy định của Luật Đất đai. Bởi, theo luật định, UBND tỉnh phải thẩm định, hoàn trả số tiền đầu tư trên đất cho doanh nghiệp; Thu hồi đất để tạo mặt bằng đất sạch, giải quyết dứt điểm hồ sơ pháp lý của khu đất mới được giao cho Tập đoàn H. Hơn nữa, khi giao đất thì chủ tịch UBND tỉnh phải ra quyết định giao đất chứ không phải ban hành Công văn 489 “tạm giao” như đã nêu trên.
Tuy nhiên, việc ban hành quyết định này được xem như “cho đúng quy trình thủ tục”. Thực tế, từ tháng 2/2017, Tập đoàn H. đã tiếp quản và thực hiện cải tạo, sử dụng khu đất dự án. Trong khi đó quyền lợi chính đáng của Công ty CPCNTT Thái Bình không được giải quyết dù nhiều lần gửi đơn kiến nghị.
Về việc này. Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, trong nhiều năm việc không giải quyết việc hoàn trả số tiền đầu tư trên đất của Công ty CPCN TT Thái Bình đã gây ảnh hưởng lớn về thiệt hại kinh tế dẫn đến hậu quả doanh nghiệp này đang lâm vào tình trạng nợ nần; Gây ra thiệt hại này cần phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân liên quan cụ thể là người đứng đầu. Phía công ty có thể làm đơn tố cáo hoặc kiện ra Tòa.
Theo thông tin mới nhất phóng viên nhận được, sau hơn 3 năm trôi qua, với 7 lần làm đơn kiến nghị, kêu cứu và sau khi Công lý & Xã hội đăng tải bài viết phản ánh, đại diện công ty cho biết vừa nhận được văn bản trả lời đơn từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình.