Thái Bình: Làm giàu từ tích tụ ruộng đất

Không phải cứ tích tụ ruộng đất, sản xuất tập trung là có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Câu chuyện của ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý (Kiến Xương) đã cho thấy, cùng với việc mạnh dạn tích tụ ruộng đất, cần phải có tư duy nhạy bén, nắm bắt được nhu cầu của thị trường thì mới thành công.

Khu sản xuất mạ khay phục vụ cấy máy của ông Đỗ Văn Dân

Khu sản xuất mạ khay phục vụ cấy máy của ông Đỗ Văn Dân

Vụ mùa năm 2020 là vụ thứ 4 ông Đỗ Văn Dân sản xuất trên vùng ruộng tập trung thuê lại được từ người dân với quy mô 50 mẫu. Ông Dân cho biết: Diện tích này đa số đều bị bỏ hoang không cấy lúa do chuột cắn phá, người dân đi làm công nhân, không có lao động cho nông nghiệp. Trước đây, tôi làm dịch vụ làm đất, thu hoạch cho bà con, vì tiếc đất và tính toán được việc sản xuất quy mô lớn sẽ cho giá trị cao hơn nên tôi đã đề xuất với xã, đến từng hộ dân để trình bày nguyện vọng thuê ruộng để sản xuất. Lãnh đạo xã rất đồng tình, người dân cũng đồng ý cho tôi thuê đất trong vòng 5 năm với giá thuê bình quân 30kg thóc/sào/năm. Mọi thủ tục về thuê đất được chính quyền và người dân tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Được biết, cũng vì ruộng đã bỏ hoang nhiều năm nên ông Dân phải bỏ ra khá nhiều thời gian để phá bờ thửa không cần thiết, cải tạo đồng đều cốt đất, san phẳng mặt ruộng, củng cố lại bờ vùng, xử lý để diệt cỏ dại nhằm tạo thuận lợi cho đưa cơ giới vào sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh. Diện tích sản xuất khá lớn, ruộng cơ bản được khoanh vùng nên thuận lợi cơ giới hóa. Ông Dân đầu tư 3,5 tỷ đồng, trang bị 2 máy cấy, 2 máy làm đất, 2 máy gặt, máy bón phân, giàn gieo mạ tự động, xây dựng 3 kho sấy tổng công suất 40 tấn/mẻ. Khâu bảo vệ thực vật ông thuê máy phun thuốc trừ sâu không người lái giúp giảm khoảng 50% chi phí so với phun thủ công lại bảo đảm hiệu quả, thời vụ phòng trừ.

Tạo ra vùng sản xuất quy mô lớn, để tiêu thụ sản phẩm, ông Dân quy hoạch thành nhiều vùng, sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm theo hợp đồng liên kết ký với các công ty lớn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, Công ty giống cây trồng Kiến Xương, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Apolo (Hà Nội). Ông Dân chia sẻ: Tìm được đầu ra cho sản phẩm tôi mới yên tâm, mạnh dạn đầu tư sản xuất. Vấn đề chính còn lại là làm sao cây lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của các đơn vị thu mua.

Ngoài thuê ruộng tại địa phương, ông Dân còn liên kết với bạn bè, thuê 50 mẫu tại xã Việt Thuận (Vũ Thư) với công thức sản xuất tương tự. Tận dụng máy móc đã trang bị, ông thuê thêm lao động, đảm nhận làm đất, cấy, thu hoạch cho trên 100 mẫu của người dân trong và ngoài xã. Chỉ tính riêng dịch vụ cấy thuê (bao gồm mạ, cấy bằng máy), bình quân ông thu 220.000 đồng/sào, trừ mọi chi phí lãi 100.000 đồng/sào, mỗi vụ ông bỏ túi khoảng 100 triệu đồng.

“Nhu cầu thuê máy cấy của người dân rất lớn, tuy nhiên do không có mặt bằng để sản xuất mạ khay nên ngoài diện tích sản xuất của gia đình, tôi chỉ có thể nhận cấy được khoảng 100 mẫu cho bà con. Ruộng thuê của người dân chỉ có thể cải tạo để cấy lúa chứ không thể phá vỡ mặt bằng, xây dựng kho bãi hay đôn cát làm điểm tập kết khay mạ. Sau 2 năm thực hiện tôi thấy, nếu sản xuất quy mô lớn thì hiệu quả cao hơn nhiều, góp phần hạn chế được diện tích đất sản xuất bị bỏ hoang tại địa phương. Doanh thu từ cấy lúa và các dịch vụ: làm đất, mạ khay, cấy lúa, thu hoạch khoảng 3 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, làm nông nghiệp đầu tư lớn, rủi ro cao nên những khoản thu ấy, trong giai đoạn đầu khởi nghiệp lại được quay vòng tái đầu tư”. Ông Dân chia sẻ.

Hiệu quả từ mô hình cho thấy, nếu biết tận dụng tiềm năng sẵn có của đất để lựa chọn loại cây trồng phù hợp, liên kết trong sản xuất sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Ngân Huyền/Báo Thái Bình

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thai-binh-lam-giau-tu-tich-tu-ruong-dat/20200803113221370