Thái Bình - Lào Cai một dải ân tình - Bài 1: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

Từ tình yêu đất nước, khát vọng cống hiến và dựng xây, bao thế hệ người Thái Bình đã viết lên những bài ca phát triển trên mảnh đất Lào Cai, nơi biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Bài 1: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương

“Tây Bắc ư, có riêng gì Tây Bắc/Khi lòng ta đã hóa những con tàu/Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu…”. Đã có thời, những lời thơ của cố nhà thơ Chế Lan Viên tựa như hồi trống thúc giục bao thế hệ lên đường xây dựng vùng kinh tế mới nơi Tây Bắc xa xôi. Từ tình yêu đất nước, khát vọng cống hiến và dựng xây, bao thế hệ người Thái Bình đã viết lên những bài ca phát triển trên mảnh đất Lào Cai - nơi biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Những bước chân mở núi

Từ thành phố Lào Cai, chúng tôi ngược dốc theo Quốc lộ 4D hơn 30 cây số, rồi lại rẽ phải theo con đường bê tông 5 cây số nữa thì đến trung tâm xã Bản Xen (Mường Khương). Theo chân anh Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Xen xuyên qua cánh đồng rộng mênh mông, rồi vào khu dân cư với những ngôi nhà xây, nhà gỗ 5 gian mái vẩy, theo kiểu mô hình sinh thái khép kín vườn - ao - chuồng, tôi chợt nhớ đến hình ảnh quen thuộc của những làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng thanh bình, trù phú và yên ả như thế này. “Đây là thôn Na Phả, một trong số những “thôn Thái Bình” của xã. Ban đầu khi lên khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới, người Thái Bình ở thôn này và thôn Na Lối, sau đó mới ở sang các thôn bên cạnh”.

Vợ chồng ông Phạm Xuân Mưu quê ở thôn Tây Phú, xã Thượng Hiền (Kiến Xương) vui tuổi già nơi miền quê mới.

Vợ chồng ông Phạm Xuân Mưu quê ở thôn Tây Phú, xã Thượng Hiền (Kiến Xương) vui tuổi già nơi miền quê mới.

Tôi chưa kịp trả lời, anh Tiến đã quẹo vào ngôi nhà 2 tầng xây theo kiểu biệt thự khang trang, có tiếng hát chèo từ trong nhà vọng ra. “Ngôi nhà này là của ông Phạm Xuân Mưu, một trong những người đầu tiên của “quê lúa” có mặt ở mảnh đất này”, anh Tiến giới thiệu.

Quý quá, năm nay đã 84 tuổi nhưng ông Mưu vẫn rất khỏe và nhanh nhẹn. Nghe nói có đoàn nhà báo về chơi hỏi chuyện lập nghiệp ở miền Tây Bắc, ông Mưu phấn khởi lắm, bao kỷ niệm ngày xưa cũ cứ như một thước phim sống động.

Ông Mưu quê ở thôn Tây Phú, xã Thượng Hiền (Kiến Xương), vốn là lính thủy đánh bộ vận tải hàng hóa. Năm 1966, trong một lần vận chuyển gạo từ Thái Bình vào Thanh Hóa, trên đường quay ra, thuyền của ông bị bom Mỹ bắn phá ở khu vực chùa Non Nước (Ninh Bình). Do bị thương khá nặng nên sau khi bình phục, ông xuất ngũ. Một năm sau đó, khi tỉnh, huyện có chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới ở miền núi phía Bắc, ông Mưu xung phong tham gia. Ngày ba vợ chồng con cái ông Mưu cùng 15 hộ trong xã tập trung ở tỉnh để chuẩn bị lên vùng kinh tế mới, đang không biết chọn nơi nào để đến thì gặp ông Nguyễn Duy Kiên, lúc ấy là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương. Qua câu chuyện cùng Phó Chủ tịch UBND huyện cũng là đồng hương Thái Bình, đoàn người hồ hởi đăng ký lên Mường Khương vì ở đó đất đai rộng mênh mông, củ sắn to bằng bắp chân, ở đó người ta lấy cây lát (một loại cây gỗ quý) để làm củi…

Vậy là cứ ngược theo dòng sông Hồng, đoàn người hăm hở đến với vùng đất mới. Bấy giờ, chiến sự đang ở thời điểm ác liệt, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc nên việc di chuyển không mấy dễ dàng. Đoàn phải đêm đi, ngày nghỉ để tránh sự do thám của địch, có những lúc phải xuống hầm trú ẩn để tránh bom đạn. Thêm vào đó, phương tiện không có nên phải gồng gánh, dắt díu đi bộ hơn hai ngày trời mới lên đến ga Cổ Phúc của tỉnh Yên Bái, từ đó bắt tàu lên Lào Cai, rồi lại đi ngược lên xã Bản Lầu (Mường Khương) thì có người dân trong bản đem ngựa thồ ra đón. Đường vào Bản Xen ngày ấy là đường mòn toàn đá hộc, lại cheo leo lưng núi, có những đoạn phải bám vào đuôi ngựa mà đi…

Vùng đất mới rộng lớn nhưng toàn “rừng thiêng, nước độc”, chuyện khởi nghiệp cũng không dễ dàng gì. Tuy nhiên, nhớ lời Bác dạy không được từ khổ, từ nan, 16 hộ người Thái Bình và 13 hộ bản địa người Nùng đã cùng dựng những căn nhà che mưa nắng, cùng chỉ nhau cách khai khẩn ruộng nương làm nên những mùa vàng bội thu.

Sau đợt lên Bản Xen của 16 hộ xã Thượng Hiền, năm 1967, gần 70 người dân của xã Bình Định (Kiến Xương) cũng lên xây dựng vùng đất này. Mắt ông Mưu ăm ắp: Gian khó lắm đấy, nhưng người vùng cao sống chân chất, thật thà và thương yêu giống như người quê mình vậy, khiến chúng tôi “đất lạ hóa quê hương” mà gắn bó đến tận bây giờ!

Giờ thì cả Bản Xen là vùng đất đai trù phú với lúa, ngô, chè và các loại cây ăn quả cứ ngút ngát đến tận trời xa. Từ một xã khó khăn, Bản Xen trở thành một trong những xã phát triển của huyện Mường Khương. “Góp phần quan trọng trong sự phát triển của vùng đất này bao năm tháng qua là những người con quê lúa Thái Bình. Bản Xen có 14 thôn, bản thì một nửa số thôn có người gốc Thái Bình sinh sống, phần đa là thôn phát triển”, ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Xen khẳng định.

Xây miền ấm no

Lào Cai - Thái Bình, hai miền quê như là duyên phận khi được kết nối chung bởi “dải lụa” sông Hồng. Đặc biệt, vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, lớp lớp người Thái Bình đã hòa chung dòng người “Tây Bắc tiến” để đến “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” khai khẩn đất hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Xã Thái Niên (Bảo Thắng) là một vùng kinh tế ấm no như thế.

Anh Phạm Xuân Dạo, thôn Đo Ngoài, xã Thái Niên (Bảo Thắng) chăm sóc ruộng dưa của gia đình.

Anh Phạm Xuân Dạo, thôn Đo Ngoài, xã Thái Niên (Bảo Thắng) chăm sóc ruộng dưa của gia đình.

Khoảng gần chục năm nay, người bày bán dưa lê, dưa bở, dưa gang ở các chợ của Lào Cai nói rằng đó là dưa của xã Thái Niên. Nhiều người “bán tín, bán nghi” bởi sự trà trộn trên thị trường nào có thiếu, vả lại trước giờ chỉ thấy các loại dưa đó trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng như Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, chứ đâu có thấy ở mạn ngược như Lào Cai. Nhiều người còn về tận nơi để “thẩm định” rồi mới tin. Từ đó, những quả dưa ngọt lành cứ thế tạo nên thương hiệu “Dưa Thái Niên” cho đến tận bây giờ.

Vừa rồi, chúng tôi về Thái Niên đúng mùa dưa chín. Hơn 14 ha dưa đang cho những trái ngọt thơm nức. Anh Vũ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Niên chia sẻ: Thái Niên có lợi thế là vùng đất ven sông Hồng, đất đai phì nhiêu, màu mỡ nên phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt là các loại cây ăn quả. Xã có nhiều người gốc ở các tỉnh miền xuôi lên sinh sống, trong đó phần đông là người Thái Bình, bà con rất nhanh nhạy trong chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác.

Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Hải đưa chúng tôi đi thăm một số thôn tiêu biểu. Đường bê tông được đổ đến tận cổng nhà. Các ngôi nhà đều được xây kiên cố giữa những khu vườn xanh mát.

Khi chúng tôi đến, anh Phạm Xuân Dạo, ở thôn Đo Ngoài đang cùng gia đình hái dưa lê dưới ruộng đem lên đường bán cho thương lái. Năm nay thời tiết thuận hòa, dưa ít sâu bệnh, quả to tròn, mọng nước và có vị ngọt sắc. Thời điểm đầu vụ, giá bán đổ tại vườn là 20.000 đồng/kg, còn nếu chịu khó chở đi bán ở các chợ đầu mối thì được 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Anh Dạo vốn sinh ra và lớn lên ở xã Bình Nguyên (Kiến Xương). Năm 1988, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh lên Bảo Thắng thăm chị gái (khi ấy là công nhân lâm nghiệp ở thị trấn Nông trường Phong Hải). Thấy đất đai trù phú, con người thân thiện, hiền hòa, anh tìm cách an cư, lạc nghiệp ở vùng đất này. Anh Dạo tâm sự: Là người miền đồng bằng, đất chật người đông nên cứ nhìn thấy đất là mình quý. Tuy nhiên, làm nông nghiệp ngoài việc chịu thương chịu khó ra còn nhiều yếu tố để mùa vụ thành công, trong đó quan trọng là phải biết dự báo thị trường để chọn cây trồng phù hợp.

Với sự cần cù, chịu thương, chịu khó, những bản làng người Thái Bình tại Lào Cai luôn trù phú, phát triển.

Với sự cần cù, chịu thương, chịu khó, những bản làng người Thái Bình tại Lào Cai luôn trù phú, phát triển.

Hơn 30 năm chăm chỉ sớm hôm, luôn tiên phong “đi trước, làm trước” trong lựa chọn các cây trồng mới, gia đình anh giờ đã có cơ ngơi khang trang với ngôi nhà theo kiến trúc nhà vườn. Chục ha rừng mỡ, keo, bồ đề, trong đó quá nửa đã đến kỳ thu hoạch; 3 sào ruộng trồng lúa 2 vụ và 3 sào ruộng trồng 3 vụ rau màu… mỗi năm giúp anh thu lợi hơn một trăm triệu đồng.

Vùng đất ven sông Thái Niên có 16 thôn thì 14 thôn có người gốc Thái Bình sinh sống. Hầu hết các gia đình người Thái Bình có kinh tế khá giả, năng động trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần quan trọng trong xây dựng kinh tế - xã hội ở địa phương, như gia đình ông Vũ Văn Tuấn là điển hình trong phát triển lâm nghiệp, làm nghề mộc; gia đình ông Nguyễn Lương Bàng điển hình trong làm dịch vụ buôn bán, chăn nuôi, hoặc như gia đình bà Trần Thị Ngân là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh với mô hình chăn nuôi trang trại. Năm 2017, bà Ngân cũng là một trong những cá nhân tiêu biểu của tỉnh được nhận Huy hiệu Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Lào Cai do Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng.

Mỗi người một công việc, cách làm, mỗi người đến với Lào Cai bởi những cơ duyên khác nhau nhưng với sự chịu thương, chịu khó, những người con của miền quê lúa Thái Bình luôn đoàn kết, vững vàng vượt qua mọi thử thách, để xây dựng quê hương mới Lào Cai ngày càng phát triển, mạnh giàu.

-------------------------

Bài 2: Những đảng viên "quê lúa" trên vùng biên viễn

Tuấn Ngọc - Tô Dung

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/thai-binh-lao-cai-mot-dai-an-tinh-z62n2019110916511771.htm