Thái Bình: Mô hình kinh tế tập thể phát huy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau của phụ nữ nông thôn
Đây là chia sẻ của chị Đinh Thị The, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, khi nói đến hiệu quả của 'Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp' do Hội LHPN huyện triển khai, hỗ trợ hội viên, phụ nữ trên địa bàn thực hiện khởi nghiệp, phát triển kinh tế trong thời gian qua.
- Được biết, huyện Hưng Hà là một trong những địa phương của tỉnh Thái Bình đạt được hiệu quả cao trong chương trình hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thời gian qua, xin chị cho biết, Hội LHPN huyện Hưng Hà đã triển khai "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" ở địa bàn nông thôn như thế nào?
Chị Đinh Thị The: Căn cứ kế hoạch thực hiện "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" của Hội LHPN tỉnh Thái Bình và tìm hiểu kỹ tình hình thực tế, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Hưng Hà chúng tôi đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Hội LHPN các cơ sở trên địa bàn triển khai thực hiện từ sớm.
Cho đến nay, huyện Hội chúng tôi đã tổ chức 14 lớp tập huấn cho 3.500 lượt đội ngũ cán bộ chuyên trách của huyện Hội, cán bộ Hội chủ chốt ở các xã, thị trấn và hội viên phụ nữ, phát động vận động các dự án, ý tưởng tham gia các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương, tỉnh tổ chức.
Thời gian qua, các cấp Hội chúng tôi đã duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế bền vững, vận động phụ nữ tham gia các loại hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), khởi nghiệp và khởi sự doanh kinh doanh, đẩy mạnh công tác phối hợp dạy nghề, giới thiệu việc làm tăng thu nhập cho hội viên.
Qua đánh giá, đến nay đội ngũ cán bộ Hội từ huyện đến cơ sở của chúng tôi đều nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và yêu cầu của đề án khởi nghiệp, các phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Nhờ đó, 80% hội viên, phụ nữ trong huyện được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Đặc biệt, các cấp Hội của chúng tôi đã hỗ trợ thành công cho 519 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp.
Ngoài ra, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ thành lập 4 HTX. Đó là HTX sản xuất kinh doanh hương thơm Văn Quan, xã Duyên Hải; HTX sản xuất nón lá xã Chi Lăng; HTX Hoa Sen và HTX dược liệu Vân Đài, xã Chí Hòa. Hội LHPN huyện cũng hỗ trợ thành lập 5 tổ hợp tác do phụ nữ quản lý, bao gồm: Tổ hợp tác Kèn đồng, xã Văn Cẩm; Tổ hợp tác sản xuất Bánh đa Me, xã Tân Hòa; Tổ hợp tác sản xuất Rau sạch, xã Dân Chủ; Tổ hợp tác Rau màu, xã Điệp Nông; Tổ hợp tác Đậu phụ làng Kênh, xã Tây Đô. Bên cạnh đó, còn thành lập được 2 mô hình câu lạc bộ nữ chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện và xã Văn Cẩm.
Đồng thời, 48 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập trên địa bàn huyện đã được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Hội cũng phối hợp, hỗ trợ đào tạo, dạy nghề 55 lớp cho 1.845 lao động nữ; giới thiệu việc làm cho 17.165 chị em trong độ tuổi lao động.
- Kết quả này phản ánh rõ sự vào cuộc năng động, sáng tạo và đầy quyết tâm của Hội LHPN huyện và cơ sở, chị có thể nói rõ hơn về những thành công từ "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" đã tác động đến nền kinh tế địa phương nói chung, cũng như bản thân các nữ chủ doanh nghiệp, nữ chủ cơ sở sản xuất tại địa phương, thưa chị?
Chị Đinh Thị The: Điều chúng tôi rất vui mừng, là từ "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", việc phát triển mô hình kinh tế tập thể đã phát huy được tinh thần hợp tác, liên kết, tương trợ giúp đỡ nhau của hội viên, phụ nữ để sản xuất hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Đây là một nội dung quan trọng trong cộng đồng kinh tế nông thôn tại thời điểm này.
Mặt khác, mô hình phát triển kinh tế tập thể từ nghề truyền thống sẽ vừa phát huy được tài nguyên bản địa, lại vừa kết hợp được phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Đây cũng là một hướng đi mới của tỉnh nhà.
Từ thành công triển khai Đề án khởi nghiệp, Hội LHPN huyện đã phát động, lựa chọn, tiếp nhận 35 ý tưởng, dự án khởi nghiệp, kinh doanh. Đã có 4 bài dự thi tham gia cấp tỉnh, có 2 bài thi lọt vào vòng thi cấp vùng, 1 dự án của HTX Hoa Sen Vân Đài, xã Chí Hòa đã đạt giải khuyến khích vòng chung kết cấp vùng.
Hội LHPN huyện chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể của phụ nữ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ sản phẩm để yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, toàn huyện có 4 sản phẩm của doanh nghiệp nữ đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp nữ mới thành lập có nhu cầu vay vốn tiếp cận với các ngân hàng và tổ chức tín dụng.
- Vậy thành công của "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" đã giúp gì cho những phụ nữ yếu thế hay những phụ nữ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn ở vùng nông thôn Hưng Hà, thưa chị?
Chị Đinh Thị The: Ngoài quan tâm đến hỗ trợ nữ chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất khởi nghiệp thành công, chúng tôi còn giúp đỡ và tạo điều kiện cho những phụ nữ yếu thế muốn vươn lên làm chủ cuộc sống.
Chỉ trong năm 2023, Hội LHPN huyện Hưng Hà đã hỗ trợ 12 phụ nữ khuyết tật có việc làm ổn định và khởi nghiệp. Hội còn đồng hành cùng câu lạc bộ nữ doanh nhân, nữ chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tìm lao động, dạy nghề và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nữ yếu thế ở nông thôn.
-Để duy trì, phát triển và mở rộng mô hình kinh tế tập thể, khởi nghiệp ở địa phương ổn định lâu dài, thời gian tới huyện Hội có kế hoạch gì, thưa chị?
Chị Đinh Thị The: Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng tổ chức các hoạt động hỗ trợ chị em nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh khởi nghiệp. Đồng thời, các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực quản trị điều hành, lập kế hoạch kinh doanh, đào tạo nghề và tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thành công, phát triển kinh tế bền vững.
Hàng năm, chúng tôi sẽ hướng dẫn các cơ sở Hội tổ chức rà soát nhu cầu phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp để tổ chức các hoạt động hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng phù hợp, theo nhu cầu của từng nhóm, từng đối tượng. Sẽ tổ chức nhiều đợt tư vấn, hỗ trợ hội viên lựa chọn ý tưởng, lập kế hoạch khởi sự, khởi nghiệp.
Chúng tôi cũng tiếp tục đồng hành với các HTX, tổ hợp tác, các mô hình phát triển kinh tế tập thể của Hội hỗ trợ thành lập khởi nghiệp. Tổ chức phát động, triển khai các hoạt động tham gia ngày phụ nữ khởi nghiệp; tuyên truyền vận động hội viên tham gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp hàng năm do Hội cấp trên tổ chức. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kịp thời tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, những vấn đề vướng mắc liên quan trong khởi sự, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp ở địa phương.
"Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 939 ngày 30/6/2017, tập trung vào 3 nhiệm vụ chính là: Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức; hỗ trợ phụ nữ đổi mới sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp; nghiên cứu, đề xuất chính sách, kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách luật pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.