Thái Bình: Năm 2021, kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả nổi bật

Ngày 20/1, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức họp báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu năm 2022.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Trung ương, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp cùng sự đồng thuận của người dân, tỉnh Thái Bình đã giành được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật, tạo tiền đề cơ bản cho sự phát triển của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Trần Thị Bích Hằng phát biểu tại buổi họp báo

Trong năm 2021, kinh tế của Tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá với tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,68%; thu ngân sách lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng, đạt 168% kế hoạch năm; nông nghiệp tiếp tục hướng mạnh sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, thêm 4 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 17 sản phẩm OCOP 4 sao. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%, đứng thứ 2 toàn quốc. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng 17% so với năm 2020.

Thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, đã thu hút 89 dự án với tổng vốn đầu tư trên 20.041 tỷ đồng tăng 4,5 lần so với năm trước. Đặc biệt đã thu hút 7 dự án FDI, tổng vốn 540 triệu USD, lớn hơn vốn đầu tư FDI của cả giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, đã thu hút được 4 dự án FDI với tổng vốn 440 triệu USD vào Khu công nghiệp Green IP - 1 – Khu công nghiệp đầu tiên trong Khu kinh tế, đưa Thái Bình xếp thứ 15/63 tỉnh, thành về thu hút đầu tư nước ngoài, điểm đến mới, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Toàn cảnh buổi họp báo

Năm 2021 tỉnh Thái Bình ban hành nhiều cơ chế chính sách, chương trình, đề án phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế. Như xây dựng hệ thống điện ''Thắp sáng đường quê'' Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; cơ chế hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp, “Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 của tỉnh Thái Bình”, “Đề án đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn 2021-2025”, “Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ”; “Chương trình phát triển đô thị và phát triển nhà ở tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2030”,...

Thái Bình là 1 trong 10 địa phương vượt chỉ tiêu về Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dự án sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chỉ đạo toàn diện, triệt phá nhiều đường dây, băng ổ nhóm tội phạm về hình sự, ma túy trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng về ma túy, đánh bạc.

Năm 2021, Tỉnh đã triển khai quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, giữ vững địa bàn thời gian dài không có dịch bùng phát trong cộng đồng, chi viện sức người, sức của với gần một nghìn lượt người tham gia chống dịch tại Bắc Giang, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2022, Thái Bình tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là một số công trình giao thông kết nối trọng điểm.

Nâng cao chất lượng nhân lực gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Về công tác chuẩn bị tết Nhâm Dần 2022, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 12/1/2022 về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mừng Đảng mừng Xuân. Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm,... Tổ chức kịp thời các chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, các chính sách an sinh xã hội và bảo trợ xã hội,... Triển khai quyết liệt các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và đấu tranh ngăn chặn sử dụng vũ khí, vật liệu nổ,...

Liên Tùng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thai-binh-nam-2021-kinh-te---xa-hoi-dat-nhieu-ket-qua-noi-bat-d159650.html