Thái Bình: Tạo sức hút đầu tư từ phát triển hạ tầng
Gần đây, Thái Bình được đánh giá là tỉnh năng động, có nhiều tiềm năng khác biệt, có lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư, môi trường an ninh xã hội đặc biệt về hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối, tạo sức hút mạnh mẽ trong công tác thu hút đầu tư.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP của Thái Bình đạt 67.948 tỷ đồng, tăng 7,37% so với năm 2022. Thu hút vốn đầu tư của tỉnh năm 2023 đạt 98.256,6 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài FDI cán mốc 3 tỷ USD và xếp thứ 5 toàn quốc về vốn thu hút đầu tư nước ngoài FDI.
Riêng 10 tháng năm 2024, thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt 27.784,2 tỷ đồng, trong đó vốn FDI đạt 426,2 triệu USD. Tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 986 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 10.407,5 tỷ đồng và 464 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Tình hình việc làm của người lao động cơ bản được bảo đảm; đẩy mạnh hoạt động tuyển chọn, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 10 tháng đã tạo việc làm mới cho 33.640 lao động, trợ cấp cho 8.162 trường hợp lao động thất nghiệp, có 33.520 người tham gia học nghề, đã cung ứng 144 lao động của tỉnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc.
Để có được kết quả trên ngoài các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh Thái Bình đã áp dụng một số cơ chế chính sách để hỗ trợ nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Và đặc biệt tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối.
Cụ thể: Thái Bình tạo dư địa, không gian thu hút đầu tư thông qua việc quan tâm đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối. Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối từ Thái Bình với các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận, tạo sự thông suốt giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và giao thông nông thôn; gắn kết các khu, cụm công nghiệp với các cảng biển, đô thị… để phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đón đầu dòng vốn đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Trong đó, đã nâng cấp, mở rộng các tuyến huyết mạch như: Quốc lộ 10, Quốc lộ 39, Quốc lộ 37, Quốc lộ 37B; đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình, đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn; đường từ thành phố Thái Bình qua cầu Tịnh Xuyên đến huyện Hưng Hà; đường tỉnh 454 từ thành phố Thái Bình đi cầu Sa Cao, tuyến đường Thái Bình - Hà Nam (giai đoạn 1)...; mở mới các tuyến đường như tuyến đường bộ ven biển CT.08 và hệ thống tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình… nhằm kết nối khu kinh tế biển của tỉnh với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; xây dựng nhiều cầu lớn Thái Hà, sông Hóa, Trà Lý 2…
Bên cạnh đó, địa phương đã và đang tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi, cởi mở; đồng thời thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài. Địa phương luôn coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh và luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án cũng như trong suốt quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là nhiều chính sách ưu đãi mạnh mẽ, cao nhất của Việt Nam đối với các dự án đầu tư vào địa bàn và sự quyết liệt, đồng hành với nhà đầu tư của lãnh đạo tỉnh.
Và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin tích hợp, cập nhật đầy đủ, kịp thời các quy hoạch, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tìm hiểu các thông tin về môi trường đầu tư kinh doanh, các lĩnh vực, dự án kêu gọi, khuyến khích đầu tư của tỉnh. Ngoài ra, địa phương còn duy trì hoạt động hiệu quả chương trình “Cà phê doanh nhân”, trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo. Tập trung rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân… Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với VCCI tổ chức hội nghị về tăng cường hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh; hội thảo tập huấn thu hút đầu tư nước ngoài; lớp tập huấn nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong tỉnh.
UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kỷ cương, kỷ luật hành chính trong các cơ quan Nhà nước được tăng cường; đồng thời tổ chức thành công các đoàn công tác của tỉnh Thái Bình đi xúc tiến đầu tư tại nước ngoài và làm việc với các đoàn công tác, các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thái Bình.
Dự kiến thu hút đầu tư FDI những tháng cuối năm 2024 tiếp tục được đẩy mạnh, đã có một số nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu và rất quan tâm về đầu tư tại tỉnh, dự kiến trong thời gian tới có khoảng 4-5 nhà đầu tư, đầu tư khoảng gần 400 triệu USD vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đang tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho một số cụm công nghiệp, nếu tháo gỡ sớm thì các cụm này cũng sẽ thu hút được 3 - 4 nhà đầu tư, đầu tư khoảng trên 200 triệu USD. Như vậy công tác thu hút đầu tư FDI cho cả năm 2024 hy vọng sẽ đạt gần 1,0 tỷ USD.
Với quan điểm coi hoạt động xúc tiến đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, ông Đặng Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nội dung sau: Thứ nhất, đẩy mạnh cải thiện hình ảnh, môi trường đầu tư, tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng hình ảnh thân thiện, an toàn hiệu quả cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Thứ hai, tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với đặc thù địa phương, phát huy tốt lợi thế đầu tư của tỉnh.
Thứ ba, hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình, phân khu chức năng trong khu kinh tế để thu hút nhà đầu tư lớn, có tiềm lực. Thứ tư, chỉ đạo tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ nhằm kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động doanh nghiệp. Thứ năm, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức Hội, Hiệp hội nhằm tăng cường liên kết và phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp địa phương.