Thái Bình thông tin mới nhất về đề xuất thu hẹp 90% diện tích Khu bảo tồn Tiền Hải
Hôm qua (12/9), UBND tỉnh Thái Bình vừa có Thông cáo báo chí về việc xác định quy mô diện tích, vị trí và ranh giới rừng đặc dụng huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Theo đó trong thời gian tới tỉnh sẽ rà soát lại quy mô diện tích Khu bảo tồn.
Cụ thể, UBND tỉnh Thái Bình cho biết đã ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 phê duyệt Đề án xác lập diện tích rừng ngập mặn có diện tích 12.500 ha, với phạm vi, ranh giới, quy mô của Khu bảo tồn chỉ mang tính định tính.
Diện tích tạm tính ban đầu là 12.500 ha được kế thừa số liệu diện tích từ 5 nguồn dữ liệu khác nhau, trong đó có Quyết định số 660/KH, Nghị quyết số 39/NQ-CP, Quyết định số 467/QĐ-UBQG UNESCO, Quyết định số 45/QĐ-TTg, Quyết định số 1413/QĐ-UBND,
Vì nhiều lý do khác nhau nên đến trước thời điểm tỉnh Thái Bình ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 17/4/2023, khu rừng trên chưa được xác định chính xác về quy mô và vị trí.
Kiểm tra thực tế có sai lệch tọa độ và vị trí (theo tọa độ thì có 4.301ha), vị trí không nằm trong các xã Nam Hưng, Nam Phú và Nam Thịnh nên cần được xác định quy mô, diện tích cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế.
Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước cần được nghiên cứu, điều tra, đánh giá kỹ lưỡng, khoa học và phân định để bảo vệ, bảo tồn trên toàn bộ vùng biển Thái Bình.
Hiện nay, tỉnh Thái Bình đang trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, theo đó quan điểm xuyên suốt của tỉnh "Phát triển kinh tế bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường”.
Thời gian tới UBND tỉnh sẽ phối hợp cùng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xác định chi tiết, cụ thể quy mô diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước trên thực địa.
Đánh giá, lập hồ sơ, quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước theo đúng quy định của Luật đa dạng sinh học làm cơ sở, căn cứ để trồng rừng, bảo vệ rừng, phát triển không gian kinh tế biển đa dạng theo Quyết định 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất sẽ cử Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học, Cục Lâm nghiệp phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh rà soát, xác định chính xác trên thực địa và quản lý theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước được liên tục phát triển bài bản, khoa học.
Thông cáo cũng nhấn mạnh tỉnh Thái Bình trân trọng tiếp thu các thông tin phản ánh của các cơ quan truyền thông thời gian qua, nhất là đối với các thông tin mang tính xây dựng, góp ý cho tỉnh, đặc biệt là ý kiến từ các chuyên gia nhà khoa học.
Trước những vấn đề vừa xảy ra đang khiến dư luận quan tâm đặc biệt có liên quan đến Khu bảo tồn tại Tiền Hải, Thái Bình, thiết nghĩ cần có một có chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo được các tiêu chí quy định của pháp luật Việt Nam và các tiêu chí đối với tổ chức quốc tế.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay có hai Khu bảo tồn thiên nhiên Thái Thụy và Tiền Hải. Cả hai khu bảo tồn này nằm trong vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận là một khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004.
Trong khi đó, những năm gần đây Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong các vấn đề bảo vệ môi trường, tham gia thực hiện các công ước quốc tế về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.
Chính phủ và các cơ quan chuyên môn đã và đang nỗ lực từng ngày để thực hiện nghiêm túc đầy đủ các cam kết quốc tế chúng ta đã và đang tham gia.