Thái Bình và những nghị quyết 'mở đường' phát triển-Bài 5: Để Thái Bình thành 'tỉnh gương mẫu về mọi mặt' (Tiếp theo và hết)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần về thăm tỉnh Thái Bình và mong muốn: 'Thái Bình phải trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt'. Những lời căn dặn của Người thể hiện tình cảm đặc biệt, niềm tin tưởng và kỳ vọng lớn lao đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; là kim chỉ nam cho mọi quyết sách hành động, là động lực để Thái Bình từng bước vượt qua khó khăn, chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong thời kỳ mới.

Những thử thách, rào cản cần tháo gỡ, vượt qua

Từ những điều chia sẻ tâm huyết của đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đến hành trình được kiểm nghiệm thực tiễn qua nhiều cuộc làm việc, trao đổi với cán bộ tại các huyện, xã, khu công nghiệp tại địa phương đã giúp chúng tôi có thêm những cứ liệu, đánh giá toàn diện hơn bức tranh tỉnh Thái Bình hôm nay.

Xuất phát điểm là tỉnh thuần nông nhưng với quyết tâm đổi mới mang tính đột phá, những năm gần đây, Thái Bình đang dần thoát khỏi “chiếc áo thuần nông”, khoác lên mình một diện mạo mới, một vị thế mới, với những tâm thế mới. Với phương châm “mục tiêu khát vọng càng to lớn, cách làm, hành động càng quyết liệt”, cả hệ thống chính trị tỉnh Thái Bình đã đồng tâm, hiệp lực, nhất quán triển khai các chủ trương, giải pháp, hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng to lớn của quê hương.

 Diện mạo thành phố Thái Bình ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: THU QUYÊN

Diện mạo thành phố Thái Bình ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: THU QUYÊN

Mục tiêu ấy đã được hiện thực hóa bằng những kết quả được ghi nhận. Trong bối cảnh khó khăn chung, song kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Bình vẫn có sự phát triển khá nhanh và toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những điểm nhấn quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, xây dựng khu kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu ngân sách trên địa bàn đã vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc tốp đầu cả nước, hằng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao và được bổ sung kế hoạch vốn.

Khu kinh tế Thái Bình đã hình thành và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định được vai trò và trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, là nhân tố quan trọng góp phần nâng tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm; an ninh chính trị được giữ vững, diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống, thu nhập và việc làm của nhân dân ngày càng được cải thiện. Hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh.

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, thông qua các cuộc làm việc với lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Kế hoạch và đầu tư; Công Thương và khảo sát thực tiễn tại nhiều địa phương trong tỉnh, chúng tôi cũng đã ghi nhận những khó khăn, thử thách và các vấn đề đã, đang đặt ra trong hành trình vươn tới khát vọng thành tỉnh phát triển của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình.

Nhìn tổng thể được xem là thế mạnh, song sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Kết quả triển khai chủ trương quy hoạch vùng sản xuất, tích tụ, tập trung đất đai, hình thành các hình thức tổ chức sản xuất mới để sản xuất hàng hóa quy mô lớn và phát triển các ngành công nghiệp giá trị gia tăng, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp vẫn dựa trên các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là gia công và sản xuất sản phẩm thông thường, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp đạt trình độ quốc gia và khu vực. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng chưa cao.

Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân, trước hết đó là ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh; xung đột quân sự, kinh tế thế giới bất ổn; sự thiếu đồng bộ trong một số văn bản pháp luật; song nguyên nhân chủ yếu vẫn là do một số sở, ngành, địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, kịp thời nên việc triển khai các nhiệm vụ chính trị có lúc, có nơi chưa đồng bộ, hiệu quả.

Việc triển khai thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của Trung ương và của tỉnh ở một số nơi chưa cụ thể, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Một số ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đến việc xác định nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc chưa quyết liệt, chưa kịp thời. Một số cấp ủy đảng chưa thực sự phát huy được vai trò, sức chiến đấu. Công tác vận động quần chúng của một số chính quyền ở cơ sở chưa được coi trọng... Đây là những thử thách, rào cản buộc Thái Bình phải từng bước tháo gỡ, vượt qua trong hành trình vươn tới.

 Công nhân vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. Ảnh: ĐỨC THẮNG

Công nhân vận hành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình. Ảnh: ĐỨC THẮNG

Lộ trình cho chặng đường kế tiếp

Nhìn tổng thể những kết quả mà tỉnh Thái Bình đã đạt được trên các lĩnh vực trong thời gian qua là rất ấn tượng, song theo đồng chí Ngô Đông Hải, lãnh đạo tỉnh luôn xác định không được chủ quan, thỏa mãn với những gì đã có, bởi để đưa tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững, vươn lên thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng không phải là câu chuyện của một nhiệm kỳ mà của cả tương lai.

Từ mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, khát vọng ấy được cụ thể hóa trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là một bản quy hoạch chứa đựng khát vọng quyết tâm rất khoa học, rất thực tiễn, vừa giải quyết nhu cầu trước mắt, nhưng có tầm nhìn đột phá chiến lược lâu dài, được Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia đánh giá cao.

Nhắc lại lời căn dặn của Bác: “Thái Bình phải trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt”, đồng chí Ngô Đông Hải cho rằng: “Trong lộ trình hướng tới tương lai, trước hết Thái Bình tập trung phát huy cao độ truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa của quê hương, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị”.

Với tinh thần đó, Thái Bình xác định phải tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm từng bước hiện thực hóa khát vọng. Trong đó công tác cán bộ là khâu then chốt của then chốt. Mỗi cá nhân trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ chủ chốt phải đi đầu làm tốt công tác nêu gương cho cấp dưới; tạo đồng thuận trong nhân dân. Trên cơ sở đó, mỗi cán bộ, đảng viên đều tự giác quyết tâm chủ động nâng cao trình độ chuyên môn; đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai cũng rõ nét hơn; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Làm việc với các cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, chúng tôi nhận thấy một thực tiễn đó là: Thời gian qua, những địa phương nào quan tâm, làm tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số thì ở đó tạo cơ chế thông thoáng, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giải quyết nhiều điểm nghẽn. Trên tinh thần ấy, tỉnh Thái Bình đặt cao mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Một mặt tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, tập trung chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém, chỉ đạo rà soát, tổng hợp vướng mắc, bất cập trong thực hiện các thủ tục hành chính. Mặt khác thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Trong lộ trình hướng tới tương lai, Thái Bình xác định tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và nhu cầu thị trường. Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp và các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tiếp tục mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với các tỉnh, thành phố ở các nước, nhất là những nước có quan hệ truyền thống với nước ta, các nước ở khu vực.

Bên cạnh đó, Thái Bình xác định tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương thúc đẩy các trọng tâm chiến lược về giao thông vận tải như: Tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trong tỉnh (hạ tầng đô thị, hạ tầng Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp, hạ tầng nông thôn); quan tâm đến hạ tầng kết nối vùng. Tập trung nỗ lực nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đầu tư triển khai các dự án (đường ven biển; đường cao tốc CT.08; các tuyến đường trục kết nối trong khu kinh tế; tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành...) có hiệu quả cao nhất, khả thi nhất và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tiến hành rà soát và có đề án duy tu, cải tạo, nâng cấp hệ thống đê điều, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng nông nghiệp.

Thực tiễn ở Thái Bình cho thấy, tư duy, cách nghĩ thì đột phá, hành động cũng rất quyết liệt, kịp thời, song để Thái Bình hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2020-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tỉnh Thái Bình rất cần sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Những vấn đề tỉnh Thái Bình đang cần được các cấp Trung ương xem xét đó là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, nhất là các quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng. Sớm hoàn thành, phê duyệt và chỉ đạo triển khai đồng bộ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, các quy hoạch cấp quốc gia và các quy hoạch cấp tỉnh để bảo đảm sự thống nhất triển khai của các địa phương trong vùng.

Đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ các tỉnh “vùng lõm”, “kém phát triển” trong khu vực có nguồn thu ngân sách địa phương hạn chế nhằm tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, kết nối liên vùng, phát triển đô thị cho các địa phương thuộc tiểu vùng Nam Đồng bằng sông Hồng... Đó là những vấn đề mang tính vĩ mô, cấp thiết, giúp Thái Bình cất cánh, phát triển mạnh mẽ, vươn tầm cao mới!

Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thai-binh-va-nhung-nghi-quyet-mo-duong-phat-trien-bai-5-de-thai-binh-thanh-tinh-guong-mau-ve-moi-mat-tiep-theo-va-het-798758