Thái Bình vướng mắc trong thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm
Tròn 10 ngày Thông tư 29/2024/TT-Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) có hiệu lực, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình vẫn băn khoăn, lúng túng về cách vận dụng và thực hiện Thông tư này, bởi một số nội dung trong văn bản còn chung chung, khó hiểu. Bên cạnh đó, Thông tư 29 ban hành đang gây vướng cho tỉnh Thái Bình trong triển khai giảng dạy và học môn tiếng Anh.

Một tiết học kỹ năng sống tại Trường tiểu học Kim Đồng (thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình).
Trao đổi với Báo Nhân Dân, ông Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình cho biết, ngoài những điểm mới của Thông tư 29 như: quy định không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Hay như, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho ba đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường, bao gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường…
Những nội dung nêu trên đều đã được đưa vào Dự thảo quyết định ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Thái Bình, tuy nhiên ông Phong cho hay còn một số nội dụng nêu trong Thông tư 29 chưa rõ, chưa biết thực hiện ra sao.

Ý kiến phụ huynh học sinh cho rằng, để hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan thì phải đồng thời giảm tải chương trình học trong nhà trường.
Cụ thể, từ tháng 11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 154 về “Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” vì địa phương thấy đây là điểm hạn chế, cần phải quan tâm, đầu tư cải thiện.
Từ đó đến nay, tỉnh cho phép đưa tiếng Anh tăng cường theo chương trình Quốc tế vào trường học theo tinh thần học sinh tự nguyện đăng ký, đưa giáo viên người nước ngoài vào dạy. Bây giờ Thông tư 29 có hiệu lực, vậy đây có phải đối tượng thuộc dạy thêm, học thêm hay không?
Ngoài ra, liên quan đến tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12, còn lớp 1, lớp 2 cho phép tự chọn. Căn cứ vào nhu cầu của học sinh, khối Tiểu học sẽ lập danh sách lớp 1, lớp 2 để giảng dạy thu tiền.
Hiện nay, Kế hoạch dạy tiếng Anh tăng cường cũng như giảng dạy tiếng Anh lớp 1, lớp 2 tự chọn đều đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình ra Nghị quyết cho phép nội dung thu và mức thu. Vậy bây giờ có được tổ chức dạy không, đây là vấn đề địa phương đang khá lúng túng, chưa biết thực hiện như thế nào.
Vẫn theo ông Phong, Nghị định số 125/2024 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nói rất rõ về việc thành lập Trung tâm bồi dưỡng kiến thức. Đó là sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép thì Sở Giáo dục và Đào tạo phải cấp giấy chứng nhận hoạt động. Nhưng theo Thông tư 29 thì Trung tâm dạy thêm, học thêm chỉ cần Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đăng ký kinh doanh là có thể hoạt động. Ông Phong băn khoăn, vậy giờ thực hiện theo văn bản nào và Trung tâm dạy thêm, học thêm có phải là Trung tâm bồi dưỡng kiến thức hay không?

Dạy thêm, học thêm nhưng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh và học sinh.
Ngoài ra, Thông tư 29 quy định chỉ dạy thêm, học thêm trong nhà trường không thu tiền, nhưng cũng chỉ dạy không quá 2 tiết/tuần. Nhưng giờ ở trường Chuyên Thái Bình bồi dưỡng học sinh giỏi thi Quốc gia mà dạy với thời lượng này thì liệu có thích hợp khi khối lượng kiến thức rất lớn.
Bên cạnh đó, sau đây nếu dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29 thì kinh phí như thế nào, cấp ra làm sao, có phải xây dựng Kế hoạch không, có phải rà soát nhu cầu học sinh không?
Được biết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình đã có văn bản xin ý kiến trả lời từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc tháo gỡ càng nhanh, càng sớm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và cũng như đông đảo giáo viên, học sinh và phụ huynh yên tâm, tránh hoang mang, tiêu cực về một chính sách ban hành.