Thái Bình: Xây dựng Đông Hưng sớm có nền nông nghiệp, công nghiệp theo hướng hiện đại

Đây là mục tiêu trọng tâm chiến lược của Đại hội Đảng bộ huyện Đông Hưng (Thái Bình) lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Ngô Đông Hải tới dự và chúc mừng Đại hội.

Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Hưng đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức của một huyện nội đồng, phát huy thế mạnh giành được nhiều kết quả tương đối toàn diện. Giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân 5 năm (2016 – 2020) đạt 10,92%/năm. Thu nhập bình quân năm 2020 đạt 52,4 triệu/người/năm. Nông nghiệp, thủy sản chuyển dần sang sản xuất hàng hóa theo hướng hiệu quả, bền vững, năm 2020 ước đạt 3.390 tỷ đồng. Lúa chất lượng cao đạt trên 30%, đã có 31 cánh đồng mẫu. Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, năm 2019 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu đại hội 1 năm. Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đạt kết quả bước đầu.

Sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng trưởng khá, năm 2020 ước đạt 8.789 tỷ đồng, tăng bình quân 17,56%/năm. 9 cụm công nghiệp trong huyện đã có 108 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 21 nghìn lao động. Huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước đột phá rõ nét. 5 năm qua, địa bàn huyện có nhiều công trình hạ tầng quan trọng như nâng cấp, cải tạo 18,2 km đường Quốc lộ 39, xây dựng mới tuyến tránh thị trấn Đông Hưng, đường Thái Hà, xây dựng khu nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyễn Giáp,…

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. 5 năm, có 122 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 48% về số lượng và 2,03 lần vốn đăng ký. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của huyện.

Để hiện thực hóa mục tiêu trọng tâm chiến lược đó, trong nhiệm kỳ tới, Đông Hưng tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao chất lượng và bền vững. Triển khai tích cực chương trình OCOOP mỗi xã một sản phẩm chủ lực. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện, xây dựng 2 -3 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Quy hoạch phân khu CCN Phong Châu, mở rộng CCN Đông Phong. Quy hoạch phát triển thương mại dịch vụ tại các xã vùng phụ cận như Đông Sơn, Đông La, Đông Hợp, Đông Các, khuyến khích đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ đầu tư phát triển logistics, chợ đầu mối, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – phân phối. Lập, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Đông Hưng, lập đề án đề nghị công nhận đô thị Đông Hưng và vùng mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Tạo điều kiện, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư, nhất là dự án có kỹ thuật công nghệ cao và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối xác trục giao thông chính của tỉnh và phát triển các khu nhà ở thương mại, đô thị thông minh, hiện đại. Phát huy lợi thế của vị trí trung tâm để đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Đông Hưng đã đạt được, khẳng định sẽ là nền tảng tạo đà cho bước phát triển nhanh và vững chắc hơn trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Chủ tịch tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế của huyện về tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng, hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít, các dự án đầu tư vào huyện còn thấp, quy mô nhỏ,…

Từ đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh thêm một số nội dung cơ bản. Đông Hưng cần xác định thế mạnh, lợi thế của mình trước hết là sản xuất nông nghiệp, vị trí địa lí, nguồn nhân lực chất lượng, truyền thống văn hóa, sự đoàn kết thống nhất. Đây sẽ là những nhân tố quyết định sự phát triển vượt bậc của huyện. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, chú trọng công tác đảm bảo an sinh, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững,… Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận cao trong nhân dân. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương,…

"Đông Hưng cần xác định thế mạnh, lợi thế của mình trước hết là sản xuất nông nghiệp, vị trí địa lí, nguồn nhân lực chất lượng, truyền thống văn hóa, sự đoàn kết thống nhất. Đây sẽ là những nhân tố quyết định sự phát triển vượt bậc của huyện".

3 đột phá phát triển:

Tạo điều kiện, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư, nhất là dự án có kỹ thuật công nghệ cao và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối xác trục giao thông chính của tỉnh và phát triển các khu nhà ở thương mại, đô thị thông minh, hiện đại. Phát huy lợi thế của vị trí trung tâm để đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ.

Phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của huyện, xây dựng 2 -3 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thai-binh-xay-dung-dong-hung-som-co-nen-nong-nghiep-cong-nghiep-theo-huong-hien-dai-d123848.html