Thai chết lưu - nguyên nhân và cách giảm thiểu nguy cơ
Thai chết lưu là khi thai nhi chết trước khi được sinh ra, sau 24 tuần mang thai. Đến nay, không phải tất cả các nguyên nhân gây thai chết lưu đều được biết và không thể ngăn ngừa mọi trường hợp thai chết lưu.
NỘI DUNG
1. Nguyên nhân thai chết lưu
2. Thực hiện các bước để giảm rủi ro thai chết lưu
3. Lời khuyên của bác sĩ
Nguy cơ thai chết lưu là rất thấp đối với những thai phụ khỏe mạnh bình thường, theo BS. Nguyễn Tuấn Anh – Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tại Việt Nam dựa theo nghiên cứu tại một số bệnh viện, tỷ lệ thai chết lưu từ khoảng 1% đến 4,4% so với tổng số trường hợp đẻ.
Có nhiều nguyên nhân gây thai chết lưu và cũng có khoảng 20% - 50% trường hợp không tìm thấy nguyên nhân. Điều quan trọng là phải biết các yếu tố rủi ro, dấu hiệu cảnh báo và có những điều đơn giản có thể làm để giảm thiểu nguy cơ thai chết lưu.
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết, các trường hợp thai chết lưu không phải lúc nào cũng tìm ra nguyên nhân, việc xác định chính xác thời gian thai nhi tử vong là khó khăn bởi không có dấu hiệu đặc trưng, do đó để khẳng định chính xác hiện tượng thai chết lưu phải chờ đến khi đi khám và có kết luận của bác sĩ.
1. Nguyên nhân thai chết lưu
BS. Tuấn Anh cho biết, gần 1/3 trường hợp thai chết lưu không tìm được nguyên nhân. Những bất thường về di truyền và nhau thai là những nguyên nhân hàng đầu được biết đến của thai chết lưu. Nhau thai cung cấp thức ăn và oxy cho em bé trong bụng mẹ, vì vậy nếu có vấn đề hoặc biến chứng xảy ra, em bé không nhận được những gì cần thiết để phát triển bình thường.
Các vấn đề về nhau thai bao gồm:
Suy nhau thai: Nhau thai không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy để duy trì thai nhi, đôi khi góp phần hạn chế sự tăng trưởng của thai nhi (một yếu tố nguy cơ thai chết lưu khác), trong đó thai nhi đang phát triển không đạt được cân nặng bình thường như dự kiến.
Nhau bong non: Nhau thai bong ra khỏi thành trong tử cung, lấy đi oxy và chất dinh dưỡng của thai nhi.
Nhau tiền đạo: Nhau thai bao phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung.
Nhau cài răng lược: Nhau thai không tách ra khỏi thành tử cung đúng cách.
Một số tình trạng bệnh lý mà bạn mắc phải trước đây hoặc phát triển trong thời kỳ mang thai cũng làm tăng nguy cơ thai chết lưu.
Nguy cơ thai chết lưu tăng lên khi tuổi tăng lên. Nguy cơ thai chết lưu ở những bà mẹ béo phì cũng tăng lên khi quá trình mang thai diễn ra, một phần là do rối loạn chức năng nhau thai, xảy ra với tỷ lệ thai chết lưu cao gấp 5 lần ở những phụ nữ béo phì.
Tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bong nhau thai và vỡ ối sớm cũng là những yếu tố gây thai chết lưu.
Phụ nữ mang thai sinh đôi, sinh ba… cũng có nguy cơ gần 20/1.000 ca sinh. Bất kỳ trường hợp mang thai nào sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản, chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm cũng làm tăng nguy cơ thai chết lưu, một phần là do tỷ lệ đa sinh cao hơn.
Khoảng 8% đến 13% trẻ sơ sinh chết lưu có bất thường về nhiễm sắc thể. Nhưng nhiều trường hợp thai chết lưu khác liên quan đến các đột biến gen. Thật khó để xác định một con số vì nhiều thai chết lưu không trải qua xét nghiệm di truyền hoặc xét nghiệm không đưa ra câu trả lời.
Nếu mẹ và bé bị nhiễm trùng, chẳng hạn như bị mắc cúm hoặc rubella (sởi Đức). Chỉ có 2% trường hợp thai chết lưu đủ tháng có liên quan đến nhiễm trùng, parvovirus, cytomegalovirus, listeria và giang mai góp phần gây ra khoảng 19% trường hợp thai chết lưu trước 28 tuần.
Bác sĩ Tuấn Anh cho biết thêm, ngay cả nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể gây nguy hiểm cho thai nhi nếu không được điều trị, mặc dù bản thân những nhiễm trùng đó không phải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thai chết lưu. Do đó, cần đi khám và cho bác sĩ biết nếu thai phụ gặp phải các triệu chứng bất thường dù là nhỏ.
2. Thực hiện các bước để giảm rủi ro thai chết lưu
Theo bác sĩ Tuấn Anh, mặc dù không thể tránh được hầu hết các yếu tố rủi ro, nhưng phụ nữ có thể hạn chế được nguy cơ thai chết lưu nếu tuân thủ các hướng dẫn dưới đây:
Khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ
Phụ nữ mang thai không nên bỏ lỡ bất kỳ cuộc hẹn khám thai nào. Các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm… là cơ sở xác định các vấn đề tiềm ẩn.
Thông thường, bà mẹ mang thai không thể ngăn ngừa thai chết lưu, nhưng điều tốt nhất có thể làm là thiết lập sự chăm sóc với bác sĩ lâm sàng sớm trong thai kỳ - BS Tuấn Anh nói.
Mỗi lần khám tiền sản là một cơ hội để kiểm tra sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Bác sĩ sẽ giúp quản lý các bệnh mãn tính, kiểm tra huyết áp và nước tiểu để phát hiện nguy cơ tiền sản giật, siêu âm và đưa ra các sàng lọc trước khi sinh tiêu chuẩn giúp chỉ ra nguy cơ có thể xảy ra.
Bác sĩ Tuấn Anh lưu ý, thai phụ nên chú ý đến chuyển động của thai nhi, bất kỳ thay đổi đáng chú ý nào trong chuyển động của thai nhi đều là lý do để đi khám và thông báo cho bác sĩ biết. Cần nhớ, mỗi thai nhi có chuyển động khác nhau, có bé di chuyển mọi lúc, có bé di chuyển ít hơn, tùy thuộc vào cân nặng, vị trí nhau thai và các hoạt động của người mẹ,
Nếu hút thuốc và uống rượu nên dừng lại
Hãy cố gắng bỏ hút thuốc, uống rượu càng sớm càng tốt sẽ giúp một thai kỳ an toàn. Hút thuốc thụ động cũng có hại trong thai kỳ, vì vậy hãy tránh ở gần những người đang hút thuốc.
Ăn uống lành mạnh và duy trì hoạt động
Khi mang thai không nên ăn kiêng, giảm cân, nhưng cũng không cần phải tăng cân nhiều nếu đã thừa cân. Cố gắng thay thế những thực phẩm không tốt cho sức khỏe mẹ bầu bằng những thực phẩm lành mạnh hơn, an toàn hơn và cố gắng duy trì hoạt động như tập thể dục thường xuyên trong thời kỳ mang thai. Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề trong thai kỳ như táo bón, ốm nghén, đái tháo đường thai kỳ…
Theo dõi chặt chẽ bệnh lý
Tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, bệnh Lupus, bệnh thận, rối loạn tuyến giáp và bệnh gan, chẳng hạn như ứ mật thai kỳ - một căn bệnh trong đó hormone thai kỳ khiến mật tích tụ trong gan và có khả năng xâm nhập vào máu, làm tăng nguy cơ thai chết lưu, cũng như nhiễm trùng. Do đó nên theo dõi chặt chẽ các bệnh lý có từ trước, các loại thuốc và phương pháp điều trị được khuyến nghị để bảo đảm có sức khỏe tốt trước khi mang thai.
Tiêm vaccine phòng cúm
Phụ nữ mang thai có nhiều nguy cơ mắc các biến chứng cúm, chẳng hạn như viêm phế quản và viêm phổi hơn so những người khác. Những biến chứng này dễ ảnh hưởng đến thai nhi. Phụ nữ mang thai có thể giảm nguy cơ mắc bệnh cúm bằng cách chủ động tiêm vaccine phòng cúm, tiêm càng sớm càng tốt, thời điểm tốt nhất là trước mùa cúm (tháng 10 hàng năm). Nên tiêm phòng cúm trước khi mang thai 1 tháng để đảm bảo miễn dịch chủ động bảo vệ mẹ và bé trong suốt hành trình thai kỳ, vì sau khi tiêm cơ thể cần 2 tuần để sản sinh kháng thể đặc hiệu, tác dụng này kéo dài trong vài tháng đầu đời của em bé.
Tiêm vaccine phòng COVID-19
Tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 là phương pháp tốt nhất để giảm các biến chứng cho mẹ và thai nhi nếu nhiễm COVID-19. Đây là giải pháp chủ động giúp tăng cường miễn dịch để chống lại COVID-19, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong. Phụ nữ mang thai trên 13 tuần cần được tiêm đủ số mũi vaccine phòng COVID-19 và kết thúc mũi tiêm thứ hai trước 36 tuần 6 ngày. Trường hợp nếu không kịp hoàn tất mũi tiêm thai phụ sẽ thực hiện tiêm mũi trong thời kỳ sau sinh. Không khuyến cáo bỏ thai nếu phát hiện có thai trong thời gian tiêm vaccine phòng COVID-19. Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần sẽ được hoãn tiêm vaccine phòng COVID-19.
Tránh tiếp xúc với những người bị bệnh
Tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, bao gồm tiêu chảy, sốt cao, đang bị nôn mửa. Thai phụ cũng nên tránh những người mắc các bệnh nhiễm trùng phổ biến như thủy đậu, sởi… Nếu đã hoặc đang tiếp xúc với người bị nhiễm trùng, hãy nói với bác sĩ để được tư vấn.
Vệ sinh sạch sẽ
Luôn vệ sinh tốt cơ thể mọi lúc mọi nơi, việc rửa tay trước và trong khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng .
Chuẩn bị và bảo quản thực phẩm an toàn
Cố gắng chuẩn bị và bảo quản thực phẩm một cách an toàn để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Bà bầu nên tránh một số thực phẩm trong thời kỳ mang thai, vì chúng có nguy cơ cao khiến bị nhiễm trùng virus listeria và salmonella như thịt sống, nem chua, cá sống hoặc nấu chưa chín, một số loại pho mát và sữa chưa tiệt trùng.
Cách ngủ an toàn khi mang thai
Từ tuần thứ 24 của thai kỳ, thai phụ nên nằm nghiêng khi ngủ sẽ an toàn hơn vì khi nằm ngửa, trọng lượng tổng hợp của em bé và bụng mẹ sẽ tạo áp lực lên các cơ quan khác trong cơ thể. Áp lực này ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến nhau thai, ảnh hưởng đến lưu lượng oxy cung cấp cho thai nhi làm tăng gấp đôi nguy cơ thai chết lưu. Lựa chọn an toàn nhất là nằm nghiêng khi ngủ, trái hoặc phải.
3. Lời khuyên của bác sĩ
Thai phụ cần liên hệ với bác sĩ hoặc bệnh viện nơi đăng ký sinh ngay lập tức nếu thấy chuyển động của thai nhi đã giảm hoặc thay đổi để được kiểm tra chuyển động và nhịp tim của thai nhi.
Thai phụ bị chảy máu từ âm đạo là dấu hiệu cảnh báo của một vấn đề. Nếu thấy dịch âm đạo chảy nước, trong hoặc có màu và có vẻ bất thường, có khả năng bị vỡ ối hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng.
Bị mờ mắt, đau đầu dữ dội hoặc sưng phù, sưng tấy có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Mặc dù tiền sản giật thường nhẹ, nhưng trong một số trường hợp mang thai sẽ đe dọa tính mạng cho cả mẹ và bé.
Nếu thai phụ bị ngứa, đặc biệt là ở bàn tay và bàn chân nhưng các vùng khác trên cơ thể cũng có thể bị ảnh hưởng, ngay cả khi ngứa nhẹ.
Ngứa khi mang thai là điều bình thường đối với hầu hết phụ nữ, nhưng cũng có khả năng bị rối loạn gan gọi là ứ mật trong thai kỳ mà không được điều trị có thể dẫn đến chuyển dạ sớm và làm tăng nguy cơ thai chết lưu.