Thái độ ghét bỏ của nhà chồng khi con dâu có ít của hồi môn
Có quá ít của hồi môn khi xuất giá, con dâu bị cả nhà chồng bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần trong thời gian dài.
Cảnh sát Ấn Độ cho biết, một người phụ nữ có tên Karishma, sống ở thành phố Greater Noida, bang Uttar Pradesh, được cho là đã bị chồng cùng gia đình anh ta bạo hành đến chết vì không đáp ứng yêu cầu tiền hồi môn của họ.
Deepak, anh trai cô, nói với cảnh sát rằng vào ngày 29/3, Karishma đã gọi điện cho gia đình để nhờ giúp đỡ. Trong cuộc điện thoại cầu cứu này, Karishma tiết lộ cô bị chồng là Vikas và bố mẹ, anh chị em của anh ta đánh đập. Khi gia đình Karishma đến nơi thì cô đã không còn dấu hiệu của sự sống.
Sau khi kết hôn vào năm 2022, Karishma sống ở Greater Noida cùng gia đình Vikas. Anh trai cô cho biết, trong đám cưới, gia đình đã trao cho nhà trai số vàng hồi môn trị giá 1,1 triệu rupee (khoảng 329 triệu đồng) và một chiếc ô tô SUV. Tuy nhiên sau đó, gia đình Vikas tiếp tục đòi nhiều của hồi môn hơn, khiến Karishma bị hành hạ về thể xác cũng như tinh thần trong nhiều năm.
Sau khi cô sinh con, tình trạng này không những không biến mất mà thậm chí còn ngày càng trầm trọng hơn.
Để giải quyết sự việc, hai gia đình đã cố gắng hòa giải thông qua ủy ban thôn, gia đình Karishma phải trả thêm 1 triệu rupee nhưng cô vẫn tiếp tục bị bạo hành, cuối cùng dẫn đến cái chết.
Hiện Vikas cùng bố mẹ và hai anh trai và một em gái đã bị bắt để phục vụ điều tra vụ án giết người. Cảnh sát cho biết, họ vẫn đang tiếp tục truy lùng những đối tượng liên quan.
Ám ảnh bạo lực gia đình, hàng triệu phụ nữ Ấn Độ chọn cuộc sống độc thân
Debbie Paul bị gọi là cứng đầu, bướng bỉnh và ích kỷ vì không chịu có chồng. Nữ chuyên gia 47 tuổi, sống một mình ở New Delhi, là một trong số những người phụ nữ Ấn Độ hiện đại: trên 30 tuổi chọn cuộc sống độc thân, bất chấp kỳ vọng của xã hội.
Hiện nay, có nhiều phụ nữ độc thân hơn ở Ấn Độ so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Với tỷ lệ góa phụ, ly hôn, không bao giờ kết hôn và những người bị bỏ rơi chiếm khoảng 21% dân số nữ của đất nước.
Theo các điều tra xã hội học thì phụ nữ độc thân có nhiều quyền tự do hơn trong việc học hành, theo đuổi sự nghiệp và sống cuộc sống theo ý mình. Họ không phải chịu áp lực gia đình và cuộc sống hôn nhân đầy biến động đối với phụ nữ ở Ấn Độ.
Họ cũng tránh bị rơi vào tình trạng đau lòng trong các cuộc hôn nhân bạo hành hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhưng các nhà quan sát cho rằng số lượng người độc thân ngày càng tăng không nhất thiết đồng nghĩa với việc tăng quyền cho phụ nữ.
Theo Patricia Uberoi, một nhà xã hội học ở Delhi, xã hội Ấn Độ vẫn chủ yếu bắt nguồn từ chế độ phụ hệ và bất bình đẳng giới. Với những phụ nữ độc thân, họ thường bị định kiến là kén chọn, buông thả về mặt đạo đức hoặc cứng đầu.
"Quan niệm xã hội vẫn áp đặt rằng một phụ nữ độc thân không có người đàn ông đi cùng sẽ gây rủi ro cho bản thân, cho danh dự gia đình và cho xã hội", bà Patricia Uberoi nói.
"Mặc dù nhiều phụ nữ hiện nay và trong quá khứ đã phá vỡ khuôn mẫu, nhưng họ đã tự chịu rủi ro" Sreemoyee Piu Kundu, một nhà báo phụ trách chuyên mục về giới tính cho biết nhiều phụ nữ mà cô từng trò chuyện họ cũng không tự hào về việc độc thân.
Handout Piu Kundu cho biết, nhiều người trong số gần 3.000 phụ nữ mà cô nói chuyện trong cuốn sách của mình thường xuyên phải đối mặt với định kiến. "Một số phụ nữ đồng ý được phỏng vấn nhưng sau đó đã rút khỏi giai đoạn chỉnh sửa cuốn sách vì sợ gia đình phát hiện ra cảm xúc thật của họ. Điều tôi nhận thấy là phụ nữ không thực sự tự hào về việc độc thân".
"Lựa chọn độc thân là phụ nữ chấp nhận sự cô đơn, sức khỏe tinh thần giảm. Thực tế họ bị từ chối mua nhà, vay ngân hàng hoặc quyền được phá thai, đó là lý do tôi quyết định viết cuốn sách", cô nói. Trên kênh YouTube của mình, Kundu thường xuyên nêu bật câu chuyện của những phụ nữ độc thân thành công.
Vì hôn nhân thường được coi là mạng lưới an toàn cho phụ nữ ở Ấn Độ và văn hóa nước này mong muốn tất cả phụ nữ được kết hôn ở một độ tuổi nhất định.
"Vì vậy, nếu bạn còn độc thân, bạn sẽ bị coi là đối tượng của sự thương hại, hoặc là người cứng đầu và khó gần. Hiếm có người phụ nữ nào chọn sống độc thân lại được chấp nhận như một người có khả năng đưa ra lựa chọn có ý thức như vậy", Sreemoyee Piu Kundu nói thêm.
Bên cạnh đó, Ấn Độ là một trong những nước có tình trạng hiếp dâm nhiều nhất thế giới. Ngay cả ở những thành phố lớn nhất của Ấn Độ, phụ nữ độc thân cũng gặp khó khăn khi phải đối mặt quấy rối từ những người đàn ông cho rằng những phụ nữ độc thân thường lăng nhăng về tình dục. Thậm chí, ở các vùng nông thôn, cuộc sống phụ nữ thậm chí còn khó khăn hơn nếu chọn độc thân vì họ "phải liên tục chiến đấu với định kiến xã hội và đấu tranh để tồn tại".
Tuy nhiên, đến năm 2017 có một quy định được thông qua đã giúp phụ nữ độc thân trên 40 tuổi ở Ấn Độ dễ dàng được chấp nhận hơn. Trước đây, ngay cả những phụ nữ độc thân giàu có và nổi tiếng cũng phải vật lộn với việc nhận con nuôi mà điển hình là nữ diễn viên kiêm người mẫu Sushmita Sen, 44 tuổi, phải đợi hai năm trước khi tòa án cho phép cô nhận con gái đầu lòng Renee vào năm 2000.
Những động thái như vậy cho thấy "xã hội Ấn Độ nhìn chung chấp nhận phụ nữ độc thân hơn trước đây", giáo sư Addlakha cho biết, "nhưng phụ nữ vượt qua ranh giới và thách thức định kiến gia trưởng cũng làm gia tăng bạo lực đối với phụ nữ", giáo sư nói thêm.