Thái Lan áp dụng kỹ thuật tiêm vaccine ngừa Covid-19 mới
Ngày 21/9, Bộ Y tế Thái Lan cho biết đã bắt đầu cho phép các bác sĩ ở nước này áp dụng kỹ thuật tiêm dưới da đối với các mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 tăng cường thay vì tiêm bắp như phương pháp thông thường. Từ đó, giúp tăng khả năng miễn dịch và tiết kiệm nguồn vaccine.
Theo Giám đốc bệnh viện Vachira ở Phuket Chalermpong Sukonthaphon, bệnh viện của ông đã được cho phép sử dụng kỹ thuật này từ cuối tuần trước, sau khi các thử nghiệm cho thấy mặc dù sử dụng lượng vaccine ít hơn nhưng cơ thể người tiêm vẫn tạo khả năng miễn dịch tương đương.
Ông nói: “Lượng vaccine dùng cho một mũi tiêm thông thường có thể được sử dụng cho năm mũi tiêm dùng kỹ thuật tiêm dưới da”.
Phuket là một trong những địa phương có tốc độ tiêm chủng nhanh nhất ở Thái Lan, khi tỉnh này tiến hành các công tác chuẩn bị để mở cửa đón du khách quốc tế theo mô hình “Hộp cát Phuket” hồi đầu tháng 7.
Ngay từ tháng 4/2021, nhiều người dân Phuket đã được tiêm hai mũi vaccine ngừa Covid-19 của hãng Sinovac. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhà chức trách địa phương đang cân nhắc tiến hành tiêm một mũi vaccine tăng cường cho người dân trong bối cảnh số ca nhiễm trên đảo đang gia tăng.
Việc Thái Lan phải chuyển sang áp dụng kỹ thuật tiêm mới là do các vấn đề về nguồn cung vaccine, bất chấp việc vaccine AstraZeneca đang được sản xuất ngay tại nước này. Cho đến nay, mới chỉ có 21% trong tổng số 72 triệu người dân Thái Lan được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine. Chính quyền Thái Lan cũng đã quyết định áp dụng phương pháp tiêm hỗn hợp với một mũi vaccine Sinovac và một mũi vaccine AstraZeneca.
Theo số liệu do Bộ Y tế Thái Lan công bố sáng 21/9, trong 24 giờ qua, nước này đã phát hiện thêm 10.919 ca nhiễm Covid-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Thái Lan kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này vượt mốc 1.500.000 ca. Trong số này, đã có 1.325.412 ca hồi phục và được xuất viện. Ngoài ra, trong một ngày qua Thái Lan cũng đã ghi nhận 143 ca tử vong, đưa tổng số người chết do Covid-19 lên 15.612 ca.