Thái Lan bắt đầu tiêm chủng vaccine COVID-19
Thái Lan đã chính thức khởi động chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 vào ngày 28/2. Những người được tiêm vaccine COVID-19 đầu tiên tại Thái Lan là một số quan chức trong Chính phủ nước này, giới chức và nhân viên y tế ở độ tuổi dưới 60.
Trong sự kiện được tổ chức tại một viện bệnh truyền nhiễm ở ngoại ô thủ đô Bangkok, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul, cùng một số quan chức và nhân viên y tế là những người đầu tiên được tiêm vaccine COVID-19 do Công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển.
Phát biểu sau sự kiện, Phó Thủ tướng Anutin cho biết: “Tôi hy vọng rằng việc tiêm phòng sẽ giúp mọi người an toàn trước sự lây lan của COVID-19 và cho phép Thái Lan trở lại trạng thái bình thường càng sớm càng tốt”.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, 66 tuổi, cũng đã có mặt để tham dự sự kiện này, tuy nhiên ông không tiêm do nằm ngoài độ tuổi phù hợp - 18 đến 59 tuổi - để được tiêm vaccine CoronaVac của Sinovac.
Trước đó, Thái Lan đã nhận được 200.000 liều vaccine CoronaVac đầu tiên từ Trung Quốc và 117.00 liều vaccine AstraZeneca nhập khẩu trong tuần này.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, vaccine CoronaVac đã được phân phối đến 13 tỉnh có nguy cơ lây nhiễm cao ở Thái Lan và sẽ bắt đầu tiêm cho các nhân viên y tế tuyến đầu và tình nguyện viên vào 28/2.
Thái Lan dự kiến sẽ nhận thêm 1,8 triệu liều CoronaVac vào tháng 3 và tháng 4 tới.
Sau khi hoàn thành tiêm chủng cho nhóm ưu tiên, chiến dịch tiêm chủng đại trà ở Thái Lan với mục tiêu triển khai 10 triệu liều mỗi tháng sẽ bắt đầu vào tháng 6, với 61 triệu liều AstraZeneca do công ty địa phương Siam Bioscience sản xuất.
Một số nước khác trong khu vực trước đó đã có bước đi tương tự Thái Lan. Trong video phát trực tiếp hôm 13/1, Tổng thống Joko Widodo của Indonesia đã xắn tay áo lên để được tiêm liều vaccine CoronaVac đầu tiên của hãng Sinovac, khởi động chiến dịch tiêm chủng toàn quốc.
Phía Bộ Y tế Indonesia cho biết chương trình tiêm chủng đầy tham vọng của Indonesia sẽ giúp nước này đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi 181,5 triệu dân (2/3 dân số Indonesia) được tiêm vaccine trong vòng 15 tháng.
Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này gần đây còn duyệt một trong những chương trình tiêm vaccine tư nhân đầu tiên trên thế giới, vận hành song song với chương trình quốc gia, để các công ty có thể mua vaccine tiêm cho nhân viên.
Trong khi đó, Malaysia đã nhận lô vaccine đầu tiên của hãng Sinovac với tổng cộng 200 lít (sau đó được chia thành 300.000 liều) hôm 27/2.
Cách đó một tuần, hôm 21/2, Malaysia tiếp nhận lô vaccine đầu tiên gồm 312.390 liều của hãng Pfizer/BioNTech. Hôm 24/2, Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin trở thành người đầu tiên ở Malaysia tiêm vaccine này, khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia.
Malaysia dự kiến tiếp nhận 66,7 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua chương trình COVAX Facility và hợp đồng ký với 5 hãng sản xuất gồm Pfizer/BioNTech, AstraZeneca/Oxford, Sinovac, CanSinoBIO và Sputnik V. Số vaccine này đủ tiêm cho tới gần 110% dân số của Malaysia.
Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Singapore, Brunei cũng đã tiếp nhận những lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên từ nước ngoài.
Theo hãng tin Reuters, dù là nước có tổng số ca bệnh COVID-19 cao thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Indonesia) cho tới nay, Philippines là quốc gia cuối cùng trong khối ASEAN tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Ngày 28/2, lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên đã được đưa tới Philippines với 600.000 liều do hãng Sinovac của Trung Quốc sản xuất.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/thai-lan-bat-dau-tiem-chung-vaccine-covid19/424590.vgp