Thái Lan cạn kiệt vàng vì dự án đập thủy điện của Trung Quốc

Không chỉ vàng, mà nguồn thức ăn, kế sinh nhai cũng như môi trường sống của khoảng 60 triệu người dân phụ thuộc vào sông Mekong đang phải đối mặt với nguy cơ lớn do tác động của các đập thủy điện tại Trung Quốc.

Nhiều người dân Thái Lan đang tham gia đãi vàng bên sông Mekong. Ảnh: South China Morning Post.

Dưới cái nắng chói chang, hai người phụ nữ lớn tuổi người Thái Lan đang cặm cụi đãi vàng dọc bờ sông Mekong. Vừa cẩn thận sàng lọc bùn đất ở từng khe đá, họ vừa bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hạnh phúc bên cạnh dòng sông trước khi chúng bị thay đổi vĩnh viễn bởi các đập thủy điện ở thượng nguồn.

Trước khi chảy tới tỉnh Loei, nơi hai cụ bà đang sinh sống và cũng là tỉnh nằm ở biên giới Thái Lan, nước sông Mekong đã phải chảy qua hàng chục đập thủy điện khác nhau, trong đó có 11 đập thủy điện của Trung Quốc .

Theo lời kể của người dân địa phương và các chuyên gia, những con đập thủy điện này đã gây ảnh hưởng đến môi trường sống của cá và làm thay đổi dòng chảy tự nhiên theo mùa của dòng sông, thậm chí là cả màu sắc của nước sông.

Ảnh hưởng ngày càng rõ rệt

Sự xuất hiện của các đập thủy điện của Trung Quốc được cho là nguyên nhân làm cạn kiệt vàng ở sông Thái Lan. Ảnh: South China Morning Post.

Bà Rodjana Thepwong, 64 tuổi với nụ cười dễ mến kể lại với các phóng viên của tờ South China Morning Post rằng, vào mùa khô, những người thợ đãi vàng ở Thái Lan thường lội ra giữa sông lấy bùn đất đem đi đãi lấy vàng.

“Cặn lắng dưới đáy sông dưới lớp bùn từng chứa rất nhiều vàng. Có lần tôi còn tìm thấy những mẩu vàng to bằng hạt me”, vừa nói bà Rodjana vừa đi dọc bờ sông dùng cuốc để gạt bỏ những cục bùn và đá.

“Nhưng khi hàng loạt các đập thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn, nước sông dâng lên và hạ xuống không theo quy luật, gây mất cân bằng hệ sinh thái. Chúng tôi buộc phải di chuyển về phía gần bờ dù nơi đây có rất ít vàng”, người thợ đãi vàng 64 tuổi cho biết.

Bà Rodjana cũng chỉ là một trong số 60 triệu người dân sống phụ thuộc vào dòng sông Mekong – dòng sông chảy từ Trung Quốc, qua Myanmar sang Lào, Thái Lan và Campuchia trước khi đổ vào khu vực đồng bằng của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, chế độ ăn uống, kế sinh nhai và môi trường sống của hàng triệu người này đang rơi vào tình trạng nguy hiểm kể từ khi các tập đoàn Trung Quốc khởi công các dự án khai thác thủy điện.

“Tôi bắt đầu nhận ra mọi thứ đang thay đỏi khi nhiều loài cá chết và nước đột ngột dâng cao”, bà Chantarasee Hieng nói khi đang ngồi đãi vàng.

Không những vậy, theo các chuyên gia, ở khu vực hạ lưu sông Mekong hồi tháng 2 vừa qua, nước sông đột nhiên biến thành màu xanh ngọc – một hiện tưởng theo mùa lần đầu xuất hiện, cho thấy phù sa đang dần biến mất khỏi đường thủy này.

Biến đổi khí hậu cũng là một phần nguyên nhân gây ra hiện tượng này khi tạo các đợt mưa lớn hơn cùng với tình trạng hạn hán kéo dài.

Dù vậy, cả hai người thợ đãi vàng kỳ cựu đều cho rằng các đập thủy điện xuất hiện là nguyên nhân chính khiến cho sông Mekong rơi vào tình trạng suy giảm chất lượng nơi từng là nguồn cung cấp thực phẩm và thu nhập cho nhiều thế hệ các gia đình ở nhiều quốc gia.

“Thật đáng buồn. Nhưng chúng tôi có thể làm gì khác được? Chúng tôi chỉ hy vọng đừng xây thêm con đập nào nữa”, hai bà cụ bày tỏ niềm hy vọng dù biết rằng hy vọng này khó có thể trở thành hiện thực.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thai-lan-can-kiet-vang-vi-du-an-dap-thuy-dien-cua-trung-quoc-post136063.html