Thái Lan cảnh báo số ca mắc COVID-19 có thể lên 100.000 ca mỗi ngày

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) của Thái Lan dự báo trong kịch bản xấu nhất, số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở nước này có thể đạt 100.000 ca vào giữa tháng 3.

DDC cho rằng việc số ca nhiễm COVID-19 sẽ giảm hay tăng trong những tuần tới phụ thuộc vào mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp phòng dịch, bao gồm hạn chế hoạt động nhóm, làm việc tại nhà nhiều hơn, trì hoãn việc đi lại không cần thiết, duy trì tỉ lệ tiêm chủng cao và thực hành các biện pháp VUCA (vắc xin, phòng ngừa phổ quát, thiết lập khu vực không COVID-19 và xét nghiệm ATK).

DDC cho biết triển vọng lạc quan nhất là khi các biện pháp phòng ngừa được thực hiện đầy đủ, số ca nhiễm theo ngày sẽ giảm dần và duy trì ở mức khoảng 20.000 ca/ngày từ giữa tháng này.

Trong triển vọng kém lạc quan hơn, khi các biện pháp phòng ngừa được thực hiện ở mức hiện tại, số ca nhiễm hàng ngày được dự đoán sẽ ở mức 50.000 ca/ngày cho đến Tết Songkran, hay còn gọi là Lễ hội té nước, vào tháng 4.

Trong trường hợp xấu nhất, trong đó các biện pháp phòng ngừa không được thực hiện đầy đủ, số ca nhiễm có thể tăng vọt lên 100.000 ca/ngày cho đến giữa tháng 4.

Sáng 1/3, Thái Lan ghi nhận thêm 20.420 ca mắc COVID-19 cùng 43 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.912.347 ca, trong đó có 22.976 ca tử vong.

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 28/2, người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson đề nghị những người có ít hoặc không có triệu chứng nên ở nhà và không tìm cách nhập viện để giải phóng giường cho những bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.

Tại Nhật Bản, kể từ đầu năm tới nay, tốc độ lây lan dịch COVID-19 gia tăng mạnh. Tính tới ngày 28/2 đã có tổng cộng hơn 5 triệu người, chiếm khoảng 3,98% dân số Nhật Bản, mắc COVID-19, tăng gấp 2,5 lần chỉ trong 39 ngày.

Sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới ở Nhật Bản chủ yếu xảy ra trong làn sóng lây nhiễm thứ 6, trong đó số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 100.000 ca/ngày lần đầu tiên vào ngày 5/2 vừa qua, dẫn tới tổng số ca mắc COVID-19 tăng nhanh.

Cụ thể, số ca mắc COVID-19 đã chạm ngưỡng 1 triệu ca vào tháng 8/2021, tức là 18 tháng sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở nước này, nhưng chỉ 5 tháng sau đó, số ca mắc vượt ngưỡng 2 triệu ca vào ngày 20/1, tiếp tục tăng lên tới 3 triệu ca vào ngày 3/2, lên 4 triệu ca vào ngày 15/2 và 5 triệu ca vào ngày 28/2.

Riêng ngày 28/2, Nhật Bản ghi nhận thêm 51.348 ca nhiễm mới và 198 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân COVID-19 nặng giảm 21 ca so với một ngày trước đó xuống còn 1.461 người.

Trong bối cảnh đó, một số địa phương, trong đó có tỉnh Osaka, đã đề nghị chính quyền trung ương tiếp tục gia hạn áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm khi các biện pháp này hết hạn vào ngày 6/3 tới.

Hiện nay, 31 trong tổng số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản đang nằm trong phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm, trong đó cho phép thống đốc các tỉnh, thành yêu cầu các nhà hàng và quán bar rút ngắn thời gian hoạt động và không phục vụ đồ uống có cồn.

Về tiêm chủng phòng COVID-19, các số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản cho thấy tính tới ngày 28/2, mới có khoảng 19,3% dân số nước này được tiêm mũi vắc xin tăng cường, trong đó tỉ lệ tiêm mũi tăng cường ở người cao tuổi vào khoảng 49%.

So với thời điểm cuối tháng 1/2022, khi mới có 4,5% dân số được tiêm mũi thứ 3, tốc độ tiêm chủng ở Nhật Bản đã cải thiện đáng kể, với số mũi tiêm cao nhất thực hiện trong một ngày là 930.000 mũi vào ngày 19/2.

Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mục tiêu của Thủ tướng Kishida Fumio là mỗi ngày tiêm 1 triệu mũi tăng cường cho người dân.

Trong bối cảnh đó, ông Takaji Wakita, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), nhấn mạnh “cần phải đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng nhằm cải thiện tình hình dịch bệnh và giảm thiểu số ca tử vong và bệnh nhân nặng”.

Tại Hàn Quốc, theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong ngày 1/3 là 138.993 trường hợp, trong đó có 138.935 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch ở nước này lên 3.273.449 người.

Như vậy, đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc dưới 140.000 người. Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc cho biết tính theo địa phương, thủ đô Seoul ghi nhận 27.911 ca nhiễm mới, khu vực tỉnh Gyeonggi là 37.258 ca và Incheon là 10.740 ca.

Nhằm ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh, từ ngày 1/3, Hàn Quốc quyết định tạm dừng áp dụng thẻ thông hành phòng dịch (xác nhận hoàn tất tiêm chủng và xét nghiệm âm tính với COVID-19) tại 11 loại hình cơ sở tập trung đông người như nhà hàng, quán cà phê,...

Phó Chủ tịch Ủy ban Phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương, Bộ trưởng Nội vụ và an toàn Hàn Quốc, Jeon Hae-cheol cho biết theo quy định mới, người dân dù chưa tiêm phòng cũng sẽ không bị hạn chế sử dụng dịch vụ tại các cơ sở như nhà hàng, quán cà phê, cơ sở thể thao trong nhà, phòng karaoke, nhà tắm công cộng.

Các cơ sở dễ phát sinh lây nhiễm, các buổi biểu tình, sự kiện quy mô trên 50 người cũng không cần áp dụng thẻ thông hành phòng dịch. Kế hoạch thực hiện thẻ thông hành phòng dịch với thanh thiếu niên trong tháng Tư cũng sẽ tạm dừng.

Bộ trưởng Jeon Hae-cheol giải thích thẻ thông hành phòng dịch được áp dụng nhằm hỗ trợ người đã hoàn tất tiêm chủng sớm khôi phục đời sống thường nhật cũng như bảo vệ người chưa tiêm chủng trước biến thể Delta có tỉ lệ tử vong cao.

Trong khi đó, thông báo của cơ quan y tế Trung Quốc đại lục cho biết nước này có thêm 200 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 28/2, giảm nhẹ so với con số 234 ca ghi nhận trong ngày trước đó. Trong số các trường hợp mới phát hiện, có 75 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, giảm so với con số 87 ca của ngày trước đó.

Trung Quốc không có thêm ca tử vong nào do COVID-19 trong ngày 28/2, theo đó số ca tử vong do căn bệnh này duy trì ở mức 4.636 ca. Tính đến hết ngày 28/2, Trung Quốc đại lục đã xác nhận 109.526 trường hợp mắc COVID-19.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 1/3, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã kêu gọi người dân ở thành phố này bình tĩnh trong bối cảnh mọi người đổ xô tới các siêu thị để mua tích trữ thực phẩm và đồ dùng thiết yếu, vì lo ngại rằng chính quyền chuẩn bị thực thi “lệnh cấm ra khỏi nhà” trong thời gian thực hiện xét nghiệm toàn dân trong tháng 3.

Trong một tuyên bố, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khuyến cáo công chúng chỉ nghe những thông tin mà chính quyền đặc khu đưa ra, không nên tin vào "tin đồn thất thiệt, nhằm tránh nảy sinh những lo lắng không cần thiết". Người đứng đầu đặc khu cũng khẳng định "việc cung cấp thực phẩm và hàng hóa vẫn diễn ra bình thường".

Trước đó, ngày 28/2, Cục trưởng Cục y tế và vệ sinh thực phẩm Trần Triệu Thủy (Sophia Chan) cho biết giới chức Hong Kong không loại trừ khả năng thực thi “lệnh cấm ra khỏi nhà” trong thời gian thực hiện xét nghiệm COVID-19 đối với toàn bộ 7,4 triệu dân sống tại thành phố này, với tần suất mỗi người xét nghiệm 3 lần trong vòng 9 ngày.

Người dân cũng được khuyến nghị ở trong nhà trong suốt khoảng thời gian này, ngoại trừ những người cần mua thực phẩm, khám chữa bệnh và làm các công việc duy trì hoạt động của xã hội. Hong Kong đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng đột biến, tăng 34 lần lên hơn 34.000 ca trong ngày 28/2. Số ca tử vong do dịch bệnh tại Hong Kong cũng gia tăng đáng kể.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271469/thai-lan-canh-bao-so-ca-mac-covid-19-co-the-len-100-000-ca-moi-ngay.html