Thái Lan chính thức công nhận hôn nhân đồng giới, nhiều cặp đôi lập tức kết hôn
Luật bình đẳng hôn nhân của Thái Lan đã chính thức có hiệu lực, công nhận hôn nhân đồng giới. Nhân sự kiện trọng đại này, nhiều cặp đôi LTBTQ+ đã tổ chức lễ cưới vô cùng hoành tráng, thu hút sự chú ý của truyền thông khu vực.
Ngày 23/1, Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Sau khi Luật bình đẳng hôn nhân của Thái Lan chính thức có hiệu lực, chỉ trong ngày 23/1, đã có gần 2.000 cặp đôi đồng giới tổ chức đám cưới trên khắp đất nước này.
Đã có ít nhất 200 cặp đôi đăng ký để tổ chức hôn lễ tại trung tâm thương mại Siam Paragon (Bangkok), theo Bangkok Pride - đồng tổ chức sự kiện với các nhà chức trách địa phương, trong số đó có cặp đôi nổi tiếng Apiwat Apiwatsayree và Sappanyoo Panatkool. Ngoài ra còn có những cặp đôi ngoại quốc đã vượt nhiều cây số để tới Bangkok tổ chức đám cưới.
Với luật mới của Thái Lan, các cặp đôi LGBTQ+ kết hôn sẽ có đầy đủ các quyền lợi pháp lý, tài chính, y tế. Hai người kết hôn sẽ có quyền và trách nhiệm bình đẳng đối với tài sản chung, nghĩa vụ thuế, quyền thừa kế...
Trước thời điểm của sự kiện lịch sử này, ở Xứ sở Chùa vàng đã có chiến dịch "Nhập cảnh tự hào" của Cục Nhập cảnh Thái Lan, nhằm giúp các du khách LGBTQ+ không phải lo lắng nếu thông tin trên hộ chiếu của họ không khớp với ngoại hình và giới tính hiện tại.
Từ ngày 1/8/2024, ở 5 sân bay quốc tế lớn tại Thái Lan là Suvarnabhumi, Don Muang, Phuket, Chiang Mai và Hat Yai, cán bộ nhập cảnh sẽ linh hoạt xem xét các giấy tờ như bằng lái xe, thẻ căn cước, hồ sơ y tế, dữ liệu sinh trắc học... để xác minh và cho du khách nhập cảnh khi có thay đổi về ngoại hình của họ.
Trước luật mới này, cư dân mạng đã tranh luận vô cùng sôi nổi. Đa số khen ngợi rằng Chính phủ Thái Lan đang thể hiện sự tôn trọng con người, công nhận sự đa dạng. Nhưng một bộ phận cũng tỏ ra lo ngại rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới có thể gây sụt giảm tỷ lệ sinh, dẫn tới sự già hóa dân số trong tương lai.