Ô nhiễm không khí ở Bangkok buộc 352 trường học đóng cửa
Ô nhiễm không khí ở thủ đô Bangkok, Thái Lan buộc hơn 350 trường học phải đóng cửa, chính quyền thành phố cho biết.
Bangkok đang được xếp hạng là thành phố lớn ô nhiễm thứ 7 thế giới theo công cụ giám sát chất lượng không khí IQAir. Ô nhiễm không khí theo mùa từ lâu đã ảnh hưởng đến Thái Lan, giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, nhưng tình trạng mù sương trong tuần này khiến nhiều trường học phải đóng cửa nhất kể từ năm 2020.
"Chính quyền đô thị Bangkok đóng cửa 352 trường học (trong số 437 trường học) trên 31 quận do ô nhiễm không khí", cơ quan quản lý cho biết.
Các quan chức đang kêu gọi mọi người làm việc tại nhà và hạn chế xe hạng nặng trong thành phố.
Ô nhiễm không khí theo mùa ở Thái Lan chủ yếu là do không khí mùa đông lạnh hơn, tù đọng kết hợp với khói từ việc đốt rơm rạ và khói xe. Tính đến 24/1 ở Thái Lan, mức độ ô nhiễm PM2.5 - các hạt vi mô gây ung thư đủ nhỏ để xâm nhập vào máu qua phổi - đã đạt 108 microgam trên mét khối, theo IQAir.
Tuần này, chính quyền Bangkok cho biết các trường học ở những khu vực có mức PM2.5 cao có thể chọn đóng cửa. Bộ trưởng Nội vụ Anutin Charnvirakul ra lệnh cấm đốt rơm rạ. Những người chịu trách nhiệm có nguy cơ bị truy tố trước pháp luật.
Thả đá khô trên trời chống ô nhiễm
Theo lịch trình đều đặn, những chiếc máy bay nhỏ đang phun nước lạnh và đá khô vào lớp không khí ấm bên trên bầu trời Bangkok để làm mát, từ đó chống ô nhiễm. Đây là phương pháp đang được thử nghiệm.
Theo thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt, thủ phạm chính của ô nhiễm không khí ở đây là khí thải từ xe cộ, đốt rơm khi thu hoạch mùa màng ở khu vực rộng lớn hơn và điều kiện thời tiết "đóng" - lớp khí quyển quá ấm bao phủ bụi, ngăn bụi phát tán.
Hiện tượng được gọi là nghịch nhiệt. Để giải quyết hiện tượng này, hai lần một ngày, bộ phận tạo mưa của Hoàng gia Thái Lan cử máy bay lên phun nước lạnh hoặc đá khô vào lớp không khí ấm. Một số người chỉ trích cho rằng có rất ít hoặc chưa có bằng chứng nào cho thấy phương pháp này hiệu quả, trong khi chi phí có thể cao hơn so với các phương pháp khắc phục nguồn ô nhiễm.
Tuy nhiên theo lý thuyết việc giảm chênh lệch nhiệt độ sẽ giúp các hạt bụi mắc kẹt PM2.5 dễ dàng phân tán vào tầng khí quyển phía trên. Đây là một phương pháp phi truyền thống mà bộ phận tạo mưa cho biết chỉ được sử dụng ở Thái Lan.
Đối với các quốc gia khác, phương pháp "gieo mây" sẽ là tiêm các hóa chất như bạc iodide vào mây để tạo mưa hoặc tuyết rơi - nhằm mục đích giảm thiểu hạn hán và ô nhiễm không khí. Nhưng hiệu quả của phương pháp này vẫn còn là dấu hỏi và các nhà khoa học cho biết phương pháp này chỉ có tác dụng không đáng kể trong việc tạo mưa và hấp thụ các chất ô nhiễm.
Những người thực hiện cho biết họ đang nỗ lực mỗi ngày để Bangkok có không khí trong lành. Họ sử dụng khoảng 1 tấn đá khô hoặc đá và nước trong mỗi lần.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, hiện đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thụy Sĩ, kêu gọi các biện pháp cứng rắn hơn để giải quyết ô nhiễm, bao gồm hạn chế xây dựng tại thủ đô và tìm kiếm sự hợp tác từ các quốc gia lân cận.
Các thành phố lớn nhất của Việt Nam và Campuchia cũng được xếp hạng trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất trên toàn cầu của IQAir hôm 24/1, với TP.HCM đứng thứ hai và Phnom Penh đứng thứ năm.
Người phát ngôn Bộ Môi trường Campuchia Khvay Atitya nói với các phóng viên hôm 23/1 rằng chất lượng không khí trong nước nằm trong mức an toàn.
"Các quốc gia khác có tiêu chuẩn riêng của họ. Campuchia có tiêu chuẩn riêng của chúng tôi để xác định chất lượng không khí", ông nói với các phóng viên, đồng thời nói thêm rằng chính quyền chưa ban hành bất kỳ biện pháp khẩn cấp nào.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/o-nhiem-khong-khi-o-bangkok-buoc-352-truong-hoc-dong-cua-ar922490.html