Thái Lan có thể cấm nhập khẩu ngô từ các nước láng giềng vào năm 2025
Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc biện pháp cấm nhập khẩu ngô từ các nước láng giềng vào năm tới nếu những nước này từ chối kiểm soát việc đốt rác thải nông nghiệp và đốt rừng, khiến tình trạng ô nhiễm không khí xuyên biên giới càng trầm trọng hơn.
Bangkok Post đưa tin, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngày 16/3 đã đến thăm thành phố Chiang Mai để thị sát tình hình phòng chống cháy rừng và khói mù của các cơ quan tại đây. Ông Srettha cho biết tình trạng ô nhiễm không khí ở Thái Lan chủ yếu là do nạn khói mù xuyên biên giới, cháy rừng trong nước và hoạt động đốt rác thải nông nghiệp.
Ông nhấn mạnh, bụi mịn PM2.5 là một vấn đề kinh tế của Thái Lan và cần phải được giải quyết bằng những biện pháp cứng rắn hơn. Mặc dù Thái Lan không thể buộc các nước láng giềng chấm dứt việc đốt rác thải nông nghiệp, nhưng có thể gây áp lực để hạn chế tình trạng khói mù ô nhiễm.
“Tôi hiểu rằng chúng tôi không thể can thiệp vào chủ quyền của các quốc gia khác, nhưng có những vấn đề đáng lo ngại. Chúng tôi có thể làm gì để ngăn chặn các hoạt động đốt từ các nước láng giềng,” ông Srettha nói.
Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan tuyên bố: “Chúng ta phải thực sự xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc. Vào năm tới, từ tháng 1 đến tháng 4, việc nhập khẩu ngô sẽ bị cấm”. Ông cũng đề xuất về biện pháp tăng thuế nhập khẩu ngô từ các nước láng giềng.
Đối với tình trạng cháy rừng trong nước, Thủ tướng Srettha cho biết chính phủ không dung thứ cho các hành động đốt rừng và sẽ thưởng 10.000 Bath (280 USD) cho bất kỳ ai bắt được người đốt. Chính phủ Thái Lan gần đây đã phê duyệt thêm kinh phí cho công tác phòng chống và dập tắt cháy rừng.
Ông cũng nhấn mạnh về việc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mới và hợp tác với quân đội trong việc hỗ trợ người nông dân vận chuyển rác thải nông nghiệp (như rơm rạ) sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, ông đã có cuộc thảo luận với Bộ trưởng Giao thông Vận tải và các cơ quan khác về vấn đề tắc nghẽn giao thông - một yếu tố khác góp phần gây ra tình trạng bụi mịn PM2.5.
Theo trang web giám sát không khí IQAir, kể từ ngày 15/3, thành phố du lịch Chiang Mai của Thái Lan đang đứng đầu trong bảng xếp hạng 10 thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới, theo sau là thành phố Lahore ở Pakistan, Bắc Kinh ở Trung Quốc, Delhi ở Ấn Độ và Dhaka ở Bangladesh.