Thái Lan đã có trên 20.000 ca mắc COVID-19, Malaysia kéo dài phong tỏa
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 11/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thái Lan ngày 2/2 ghi nhận thêm 836 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 20.618 người. Trong số các ca mắc mới được công bố, có 819 trường hợp lây nhiễm trong nước và 17 ca nhập cảnh.
Cùng ngày, Thái Lan thông báo thêm 2 trường hợp tử vong do COVID-19, đều là người cao tuổi, nâng tổng số người thiệt mạng vì căn bệnh này lên 79 bệnh nhân.
Dự kiến, Thái Lan sẽ công bố kế hoạch cụ thể cho việc tiêm chủng ngừa COVID-19 trên toàn quốc vào giữa tháng này.
Chủ tịch Tiểu ban quản lý vắcxin ngừa COVID-19 của Chính phủ Thái Lan Sophon Mekthon cho biết cơ quan này đã chuẩn bị kế hoạch tiêm chủng quốc gia và sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 6 khi hãng Siam Bioscience bắt đầu sản xuất vắcxin của AstraZeneca.
Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Thái Lan (FDA) cho biết Johnson & Johnson cũng đang tìm cách đăng ký vắcxin ngừa COVID-19 mũi đơn ở quốc gia Đông Nam Á này.
Theo ông Sophon, AstraZeneca dự kiến sẽ gửi lô vắcxin đầu tiên vào đầu tháng này, nhưng do những hạn chế của Liên minh châu Âu (EU) nên cần phải kéo dài thời gian giao hàng.
Thái Lan cũng đã đặt hàng 2 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 từ công ty Sinovac của Trung Quốc và FDA hiện đang nghiên cứu hiệu quả cũng như tác dụng phụ của vắcxin Sinovac trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp trong nước.
Cho đến nay, Sinovac vẫn chưa gửi tất cả các tài liệu cần thiết để phê duyệt vì đang chờ sự phê duyệt đầy đủ từ các cơ quan chức năng Trung Quốc.
Cùng ngày, Chính phủ Malaysia đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa trên cả nước, ngoại trừ 1 bang, và những hạn chế đi lại thêm 2 tuần nữa, đến ngày 18/2, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc mới.
Theo kế hoạch, lệnh phong tỏa hiện hành sẽ kết thúc vào ngày 4/2. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob dẫn thống kê của Bộ Y tế cho hay số ca mắc mới tại tất cả các bang ở nước này tiếp tục tăng và khả năng lây lan dịch trong cộng đồng vẫn ở mức cao.
Lệnh phong tỏa cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp và thương nhân nhỏ, song vẫn duy trì lệnh cấm đi lại giữa các bang và hoạt động xã hội.
Malaysia ngày 1/2 đã ghi nhận hơn 4.000 ca mắc mới, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên gần 220.000 ca, trong đó có 770 ca tử vong.
Tại Nhật Bản, trong cuộc họp tối 2/2 về việc ứng phó với dịch COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã quyết định kéo dài thời gian tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh, thành thêm 1 tháng (tức là đến ngày 7/3). Riêng tỉnh Tochigi do tình hình dịch bệnh đã ổn định nên không nằm trong danh sách gia hạn tình trạng khẩn cấp lần này. “Về khu vực được áp dụng tình trạng khẩn cấp, tỉnh Tochigi sẽ được dỡ bỏ vào ngày 7/2, còn đối với 10 tỉnh thành còn lại thời gian thực hiện các biện pháp khẩn cấp sẽ được kéo dài đến ngày 7/3”. Thủ tướng Yoshihide nhấn mạnh.
Để khống chế dịch bệnh Covid-19, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp như rút ngắn giờ làm việc của các nhà hàng và yêu cầu hạn chế việc ra ngoài nếu không cần thiết. Chương trình kích cầu du lịch trên toàn quốc sẽ tiếp tục tạm dừng cho đến ngày 7/3.
Thủ tướng Nhật Bản cho biết, đối với các địa phương có tình trạng lây nhiễm cải thiện, tình trạng khẩn cấp sẽ được hủy theo trình tự mà không cần đợi hết thời hạn vào ngày 7/3. Liên quan đến vaccine ngừa Covid-19, chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định cấp chứng nhận cho vaccine của công ty Pfizer vào ngày 12/2 và bắt đầu thực hiện tiêm chủng theo kế hoạch vào cuối tháng 2.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+, VOV)