Thái Lan – Đối tác đầu tư quan trọng của Vĩnh Phúc

Thái Lan hiện là một trong số những quốc gia/vùng lãnh thổ có nhiều dự án đầu tư tại Vĩnh Phúc. Với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của tỉnh Vĩnh Phúc”, các cấp chính quyền trong tỉnh đã đồng hành với các doanh nghiệp (DN) của Thái Lan; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn khi đầu tư vào tỉnh, nhất là đối với các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao.

Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc - Tập đoàn Prime tại KCN Bình Xuyên là DN điển hình đến từ Thái Lan đã khẳng định được vị thế cũng như phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc - Tập đoàn Prime tại KCN Bình Xuyên là DN điển hình đến từ Thái Lan đã khẳng định được vị thế cũng như phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2021, kết quả thu hút đầu tư FDI của Vĩnh Phúc đạt được cao thứ 2 trong 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh. Toàn tỉnh thu hút được 57 dự án mới, trong đó có 2 dự án của nhà đầu tư (NĐT) Thái Lan (Công ty TNHH Giấy KRAFT Vina - CN Vĩnh Phúc và Công ty TNHH AGC Automotive Việt Nam) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 615 triệu USD.

Nhờ chủ động triển khai có hiệu quả chiến lược sản xuất kinh doanh (SXKD), năm 2021, các DN đến từ Thái Lan đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh 311 tỷ đồng.

Quý I/2022, Thái Lan có 15 dự án FDI đầu tư vào Vĩnh Phúc với tổng số vốn đăng ký hơn 800 triệu USD, đứng vị trí thứ 4 về quốc gia/vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư lớn vào tỉnh, chỉ xếp sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Phần lớn các dự án của NĐT đến từ Thái Lan tại Vĩnh Phúc tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng.

Những kết quả trên đạt được là nhờ vào định hướng, chủ trương đúng đắn và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Hằng tháng, lãnh đạo tỉnh đều đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan liên quan, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm có ảnh hưởng tới phát triển KT – XH của tỉnh, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, hàng rào các KCN, CCN để sớm đưa các dự án này đi vào hoạt động; tạo mặt bằng sạch làm cơ sở thu hút các dự án FDI, DDI theo kế hoạch.

Thường xuyên tổ chức xúc tiến đầu tư đối với các NĐT nước ngoài nói chung và NĐT Thái Lan nói riêng. Áp dụng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đối với NĐT như giảm thuế thu nhập DN, miễn giảm tiền thuế đất, thuê mặt bằng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đặc thù; áp dụng mức thuế suất thu nhập DN chỉ 10%/năm trong thời hạn 15 năm với các DN chuyên về sản xuất phần mềm, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; hỗ trợ tuyển dụng lao động chất lượng cao...

Các sở, ban, ngành của tỉnh cũng đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến giúp người dân, NĐT, DN thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và thực hiện TTHC, giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức và các chi phí khác.

Với việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đẩy mạnh CCHC, nhiều cơ chế, chính sách mới đồng hành cùng DN, Vĩnh Phúc đã đón nhiều NĐT lớn, nhiều “đại bàng” về "làm tổ".

Hiện nay, UBND huyện Bình Xuyên đang chỉ đạo đơn vị chuyên môn đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng 35,5/38 ha đất công nghiệp thuộc KCN Bình Xuyên trong năm 2022 để kịp thời bàn giao quỹ đất sạch cho Công ty TNHH Giấy KRAFT Vina (Tập đoàn SCG, Thái Lan) xây dựng nhà máy sản xuất bao bì với công suất khoảng 870.000 tấn giấy bao bì/năm.

Được biết, dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2024 sẽ góp phần thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông trong tiêu dùng của người dân Vĩnh Phúc.

Vừa qua, tại thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh có buổi làm việc với Văn phòng Xúc tiến đầu tư Thái Lan, Công ty Cổ phần WHAUP Nghệ An (NĐT uy tín của Thái Lan tại Việt Nam) để trao đổi, tìm hiểu các cơ hội đầu tư giữa Thái Lan và Vĩnh Phúc trong thời gian tới.

Để đạt mục tiêu năm 2022, Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút từ 25 – 30 dự án FDI mới, tổng vốn đăng ký khoảng 300 triệu USD, các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh trên các phương tiện truyền thông, trong đó chú trọng hình thức truyền thông trực tuyến.

Phối hợp với Bộ KH&ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức quốc tế liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam... đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh như công nghiệp chế biến, chế tạo, hỗ trợ, linh kiện điện tử, logistics.

Triển khai hiệu quả các tổ công tác hỗ trợ NĐT, DN giải quyết vướng mắc khó khăn trong quá trình tìm hiểu, đầu tư xây dựng dự án tại Vĩnh Phúc. Duy trì, nâng cấp trang thông tin về xúc tiến đầu tư (investvinhphuc.vn) bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài nhằm tuyên truyền, quảng bá về môi trường, tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh.

Rà soát, bổ sung các dự án kêu gọi đầu tư hàng năm và theo giai đoạn, cập nhật vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư ban hành kèm theo Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2023 và giai đoạn 2021 - 2025.

Riêng đối với các NĐT Thái Lan, tỉnh tiếp tục khuyến khích, định hướng thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt trong ngành ô tô, xe máy, chế biến chế tạo thông qua việc tổ chức các hội nghị hỗ trợ DN Thái Lan nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Vĩnh Phúc. Tăng cường các hoạt động ngoại giao, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Vĩnh Phúc và Thái Lan, tạo điều kiện hiểu biết lẫn nhau, hỗ trợ cùng phát triển.

Ngọc Lan

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77282/thai-lan--doi-tac-dau-tu-quan-trong-cua-vinh-phuc.html