Thái Lan đóng cửa vịnh Maya

Giới chức Thái Lan thông báo đóng cửa vịnh Maya trong 2 tháng của mùa mưa nhằm mục đích phục hồi tự nhiên.

Vịnh Maya ở Thái Lan.

Vịnh Maya ở Thái Lan.

Theo đó, vịnh Maya của Thái Lan sẽ đóng cửa tham quan từ ngày 1/8 đến ngày 30/9 để các rạn san hô có đủ thời gian phục hồi sau thời gian nhiệt độ tăng liên tục và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường vì đón hàng nghìn du khách mỗi ngày. Đây từng là bối cảnh cho bộ phim "The Beach" gắn với tên tuổi ngôi sao Hollywood Leonardo DiCaprio

Ngoài mục đích để môi trường tự nhiên của vịnh phục hồi, việc đóng cửa khu vực này còn vì sự an toàn của khách du lịch trong mùa mưa.

Vịnh Maya tại thời kỳ quá tải du lịch vào năm 2018.

Vịnh Maya tại thời kỳ quá tải du lịch vào năm 2018.

Trước đó, vịnh Maya được mở cửa trở lại cho khách du lịch vào ngày 1/1/2022 sau khi đóng cửa trong 3,5 năm do lượng khách du lịch quá đông, khiến các rạn san hô bị phá hủy và hệ sinh thái vịnh bị tác động tiêu cực.

Nằm trong Công viên Quốc gia Hat Noppharat Thara-Mu Ko Phi Phi của Thái Lan, vịnh Maya là một phần của cụm đảo Phi Phi Leh, thuộc tỉnh Krabi. Đối với chính quyền Thái Lan, việc cân bằng giữa nhu cầu của du khách với lời kêu gọi khẩn cấp bảo vệ các nguồn tài nguyên quý giá của công viên quốc gia là một thách thức hiện hữu khi du lịch đóng góp tới 20% GDP của nước này.

San hô hồi sinh giúp hệ động vật vịnh Maya phát triển mạnh trở lại.

San hô hồi sinh giúp hệ động vật vịnh Maya phát triển mạnh trở lại.

"Phương án tối ưu là không có ai tới khu vực này", nhà sinh vật biển kiêm Giáo sư, Tiến sĩ Thon Thamrongnawasawat nói.

Giáo sư, Tiến sĩ Thon được biết tới là người đã thuyết phục chính quyền Thái Lan đóng cửa vịnh Maya trong 4 năm, một quyết định gây tranh cãi vào thời điểm năm 2018.

Kể từ khi đóng cửa vịnh vào năm 2018, ông Thon và một nhóm chuyên gia biển, tình nguyện viên đã trồng lại hơn 30.000 mảnh san hô, phần lớn trong số đó mọc ở ngoài khơi của một hòn đảo gần đó, đảo Yung. Khoảng 50% san hô được trồng lại vẫn sống sót dù có một số lần chúng bị tẩy trắng. Hiện chúng bắt đầu phát triển và tự lan rộng. Giáo sư Thon cho biết, nếu không có quá trình cấy ghép, sẽ mất 30 - 50 năm để rạn san hô tái tạo tự nhiên.

VTV

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/thai-lan-dong-cua-vinh-maya-post371615.html