Sinh sống ở vùng Bắc Canada, Alaska và vùng duyên hải phía Bắc của Greenland, chó sói Bắc Cực (Canis lupus arctos) là phân loài sói sinh sống ở khu vực xa xôi nhất về phía Bắc của quả địa cầu. Ảnh: Arctic Today.
Những con sói này có kích thước trung bình, được phân biệt với "hàng xóm" gần gũi là phân loài sói Tây Bắc (Canis lupus occidentalis) ở kích thước nhỏ hơn, màu lông trắng hơn, hộp sọ hẹp hơn và bộ xương lớn hơn. Ảnh: BBC Wildlife Magazine.
So với tất cả các phân loài sói họ hàng, sói Bắc Cực có nhiều đặc điểm dị biệt, nổi bật nhất là khả năng chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt của vùng cực. Ảnh: Whitewolfpack.com.
Chúng có thể sống sót trong điều kiện nhiệt độ âm trong nhiều năm liền, trong điều kiện hoàn toàn tăm tối trong 5 tháng, và có thể nhịn đói trong nhiều tuần. Ảnh: Animalia Bio.
Chó sói Bắc Cực thường di chuyển theo từng bầy từ 2-20 cá thể. Chúng sống trong các nhóm gia đình nhỏ, gồm một cặp chó cha mẹ cùng với đàn con. Ảnh: Expedition Art.
Nơi ở của sói Bắc Cực là các hang hốc tự nhiên được chúng đào thêm thành hai ngăn, một nơi chứa thức ăn và một nơi làm chỗ ngủ cho các con non. Ảnh: Wallpapers.com.
Giống như các phân loài sói khác, sói Bắc Cực săn mồi theo nhóm, mục tiêu chủ yếu là tuần lộc và bò xạ, ngoài ra còn có thỏ Bắc Cực, hải cẩu, gà gô trắng xám đá, chuột lemmut và chim biển. Ảnh: SciQuest.
Cả sói cha lẫn sói mẹ đều cùng đi kiếm ăn và cùng chăm con. Khi đủ lớn, các con non rời gia đình sống tự lập đồng thời tìm kiếm lãnh thổ cho riêng mình. Chúng sống đơn độc cho đến khi có thể tìm bạn tình. Ảnh: Animalia Bio.
Khi tìm được một vùng lãnh thổ ưng ý, sói Bắc Cực đánh dấu "phạm vi ảnh hưởng" bằng mùi của mình và sau đó chiêu dụ các con sói đơn độc khác vào sống chung trong lãnh thổ. Ảnh: Pin page.
Khi một con cái trong bầy mang thai, chúng rời bầy để đi tìm nơi đào hang và sinh con. Nếu như bề mặt băng quá cứng thì sói mẹ sẽ tìm một cái hang trống để không phải mất công đào. Ảnh: Paul Loewen.
Thai kỳ của sói Bắc Cực kéo dài chừng 63-75 ngày và chúng sinh nở vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6. Mỗi lứa sói mẹ sinh 2-3 con (so với sói xám là 4-5 con) mặc dù cũng có lứa sinh tới 12 con. Ảnh: CBC.
Lý do cho việc sinh ít được cho là nguồn thức ăn ít ỏi ở vùng cực khiến sói Bắc Cực không thể duy trì quần thể đông đảo. Sói con mới sinh nặng chừng chừng 0,5 kg và chưa có khả năng nghe nhìn. Ảnh: Paul Loewen.
Chúng hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc cũng như bảo vệ của mẹ. Khi 3 tuần tuổi, sói con được phép rời hang. Những con sói khác trong bầy cũng tham gia vào việc chăm sóc sói con khi mẹ chúng bận đi kiếm ăn. Ảnh: National Geographic.
Do nơi ở của sói Bắc Cực có điều kiện tự nhiên cực kì khắc nghiệt và cách rất xa nhau mà hiện nay có rất ít các nhà khoa học đủ khả năng nghiên cứu kỹ lưỡng về phân loài sói này. Ảnh: Vecteezy.
Thậm chí cộng đồng người bản địa Inuit cũng chỉ sinh sống ở phía Nam khu vực phân bố của sói Bắc Cực chứ không hiện diện ở phía Bắc. Chính vì thế mà đời sống của sói Bắc Cực vẫn còn hàm chứa nhiều bí ẩn. Ảnh: Wallpaper Abyss.
Về mặt bảo tồn, trong hơn 30 phân loài sói được công nhận, sói Bắc Cực là loài duy nhất hiện nay chưa nằm trong tình trạng bị đe dọa, do nơi ở biệt lập và khắc nghiệt khiến chúng an toàn trước các mối đe dọa từ con người. Ảnh: Pixabay.
Mời quý độc giả xem video: Khi động vật hoang dã kêu cứu | VTV24.
T.B (tổng hợp)