Thái Lan lên kế hoạch đánh thuế muối

Thái Lan dự kiến áp đặt thuế muối tại nước này từ năm 2022. Chủ tịch Hiệp hội Thận học Thái Lan Surasak Kantachuvesiri đã tiết lộ thông tin này với tờ Straits Times (Singapore).

Thực khách tại một quầy bán thức ăn đường phố ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: AP

Thực khách tại một quầy bán thức ăn đường phố ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: AP

Một người Thái Lan tiêu thụ trung bình 3.6366 mg sodium mỗi ngày, tương đương 1,5 thìa muối. Con số này gấp đôi mức đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 2.000 mg. Bác sĩ Surasak Kantachuvesiri cho biết: “Văn hóa của chúng ta là tiêu thụ nhiều thực phẩm mặn, thịt lên men và nước mắm”.

Khoảng 10% dân số Thái Lan, tương đương 7 triệu người, mắc suy thận mãn tính, điều này có thể bắt nguồn từ việc tiêu thụ lượng muối lớn. Nhiều căn bệnh khác liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều muối là huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim. Đây cũng là những bệnh khá phổ biến tại Thái Lan.

Mục tiêu của chính phủ Thái Lan là trong 10 năm tới giảm 20% lượng sodium người dân tiêu thụ mỗi ngày. Điều này cũng cùng xu hướng với thuế đường được Thái Lan áp dụng năm 2017 dẫn đến việc giảm hàm lượng đường trong các loại nước ngọt.

Tuy nhiên, thuế muối được coi sẽ đem lại nhiều thách thức tại Thái Lan, nơi chỉ một gói mì ăn liền, thức ăn phổ biến của đất nước Đông Nam Á này, đã chứa tới 80% lượng muối tiêu thụ/ngày mà WHO đề xuất.

Bà Siradapat Ratanakorn tại công ty luật Tilleke & Gibbins's chia sẻ rằng một số công ty đã cố gắng ra mắt sản phẩm mới chứa ít muối nhưng họ không thể thay đổi thành phần của những sản phẩm vốn bán chạy. Do vậy, bà Siradapat Ratanakorn dự đoán rằng các doanh nghiệp có thể chấp nhận trả thuế muối thay vì phải thay đổi sản phẩm của họ nếu người tiêu dùng vẫn ưa thích các sản phẩm có hàm lượng muối cao.

Chủ tịch Hiệp hội Chế biến thực phẩm Thái Lan-ông Tust Thangsombat bổ sung rằng nhiều công ty có thể đẩy gánh nặng của thuế muối lên chính người tiêu dùng bằng việc tăng giá. Nhưng ông tin rằng ngành thực phẩm không thể phản đối thuế muối, đặc biệt là khi nó được coi là điều “tốt cho người dân”.

Thói quen ăn uống của người Thái Lan cũng là rào cản đối với việc giảm tiêu thụ muối. Bà Siradapat Ratanakorn nhấn mạnh rằng các cuộc khảo sát cho kết quả 1/3 người được hỏi thừa nhận họ ăn 3 bữa ở ngoài, trong khi 3/4 người được hỏi cho biết họ ăn trưa ở ngoài. Bà đánh giá: “Món ăn được người dân Thái Lan ưa thích là các món đường phố. Không có nhiều lựa chọn tốt cho sức khỏe từ những món ăn này”.

Bác sĩ Surasak cho biết thực phẩm đường phố đóng góp tới một nửa lượng muối người Thái Lan tiêu thụ hàng ngày. Do đó, ông đề xuất: “Thực khách nên đề nghị người bán hàng cho ít muối hoặc mì chính. Đây là điều mà thực khách và người bán hàng cần hợp tác”.

Nhiều quốc gia trên thế giới như Hungary, Bồ Đào Nha và Fiji đã áp dụng thu thuế đối với thực phẩm đóng gói hoặc đã qua xử lý có hàm lượng muối cao. Một số quốc gia khác lại sử dụng chiến lược như phổ biến kiến thức cho người tiêu dùng, ban hành quy định với các ngành công nghiệp để khuyến khích thay đổi công thức sản phẩm.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thai-lan-len-ke-hoach-danh-thue-muoi-20211214201519201.htm