Thái Lan lo sầu riêng bị mắc kẹt ở cửa khẩu Trung Quốc

Thái Lan lo ngại chính sách chống Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sầu riêng tại nước này trong năm 2022.

Theo CNA, sầu riêng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan vì đây là loại trái cây rất được yêu thích tại thị trường xuất khẩu chủ lực Trung Quốc.

Thái Lan lo sầu riêng bị mắc kẹt ở cửa khẩu Trung Quốc do chính sách Zero-Covid. Ảnh: CNA.

Năm 2021, Thái Lan đã xuất khẩu hơn 875.000 tấn sang Trung Quốc, thu về ít nhất 3,4 tỷ USD, theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp nước này.

Năm nay, Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn khi mùa vụ sầu riêng có triển vọng hơn. Tuy nhiên, chính sách Zero-Covid (đưa số ca mắc về mức 0) của Trung Quốc sẽ gây tác động tiêu cực đến mặt hàng xuất khẩu này trong mùa vụ 2022.

Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã gây tắc nghẽn giao thông tại nhiều cửa khẩu biên giới khác nhau, nơi hàng nghìn xe tải chở thực phẩm từ Đông Nam Á phải chờ xét nghiệm và kiểm dịch gắt gao.

Theo nguồn tin, một khi phát hiện trường hợp dương tính với Covid-19, hàng hóa sẽ bị tiêu hủy hoặc sẽ phải đóng biên vài ngày, thậm chí vài tuần để xử lý.

Theo ghi nhận của Hiệp hội Người lao động Hồng Kông, vào sáng ngày 7/2, hai tài xế xe tải chở hàng từ Trung Quốc đại lục đã có kết quả dương tính với Covid-19. Đến 6 giờ sáng cùng ngày, khoảng 40 đến 50 xe tải chở hàng, hầu hết chở rau củ quả, đã bị chặn lại ở các điểm kiểm soát dịch bệnh chờ chính quyền đại phương xử lý. Nguồn tin cũng cho biết thêm một số tài xế đã bị cách ly y tế sau đợt kiểm tra bất ngờ.

Nhiều nông dân tại Thái Lan đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mùa vụ năm ngoái.

“Thiệt hại rất nặng nề, với hơn 10.000 tấn sầu riêng dự kiến sẽ bị tiêu hủy”, ông Chonlatee Numnoo, Giám đốc Cục Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp tại Vùng 6.

Vùng 6 là nơi tập trung của những nhà trồng trọt lớn nhất Thái Lan, bao gồm các tỉnh phía đông như Chanthaburi, Rayong và Trat. Theo ông Chonlatee, chỉ riêng sản lượng sầu riêng của vùng 6 dự kiến sẽ đạt tới 740.000 tấn trong năm nay, chưa kể đến 210.000 tấn măng cụt – một mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác sang Trung Quốc.

“Rất khó để chúng tôi có thể kiểm soát được tình hình vì khả năng phát hiện ca bệnh là bằng kiểm tra ngẫu nhiên. Hơn thế nữa, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, biến thể Omicron rất dễ lây lan và phát tán nhanh chóng. Điều này khiến chúng tôi khá lo ngại”, ông Chonlatee chia sẻ.

Biện pháp ứng phó

Để giảm thiểu rủi ro hàng hóa nhiễm virus và ngăn chặn ứng phó chậm trễ, Thái Lan đã áp dụng chiến lược “Zero-Covid” tại các trang trại và nhà xưởng đóng hàng sầu riêng.

Các biện pháp bao gồm xét nghiệm thường xuyên cho công nhân, yêu cầu sử dụng khẩu trang, găng tay, kiểm tra thân nhiệt, cũng như khử khuẩn sản phẩm, bao bì và phương tiện vận chuyển sản phẩm qua biên giới.

“Chúng tôi phải đảm bảo tối đa các nhà đóng hàng không bị nhiễm virus”, ông Chonlatee cho biết. “Kể cả đối với các tài xế xe tải, chúng tôi cũng phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Ví dụ như chúng tôi bố trí chỗ ở chuyên dụng cách ly cho họ”.

Hiện có 702 nhà đóng gói trái cây xuất khẩu tại phía đông Thái Lan, 630 nhà được đặt tại Chanthaburi.

Mỗi năm, Thái Lan xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bằng đường bộ, đường biển và hàng không. Hiện tại, tuyến đường chính là qua Lào và Việt Nam, hai nước có đường biên giới chung với Trung Quốc.

Với các quy trình chống Covid-19 chặt chẽ tại các biên giới, tuy nhiên, chính phủ Thái Lan vẫn hy vọng năm nay trái cây có thể xuất khẩu sang Trung Quốc bằng tuyến đường sắt cao tốc nối giữa thủ đô Vientiane của Lào và thành phố Côn Minh của Trung Quốc.

“Bộ Nông nghiệp đang cố gắng hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho mùa vụ sắp tới, diễn ra vào giữa năm nay”, ông Chonlatee cho hay.

Mùa sầu riêng bắt đầu từ tháng 3 nhưng mùa cao điểm diễn ra từ giữa tháng 5 đến tháng 6 hàng năm. Ông Chonlatee tin rằng, nếu chính phủ Thái Lan sắp xếp được sử dụng tuyến đường sắt cao tốc để xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc, nó sẽ giúp làm hạ nhiệt tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu đáng kể và phân bố lượng lớn trái cây sang thị trường tiêu thụ chính của Thái Lan.

“Sức chứa của đoàn tàu là khá lớn. Một chuyến có thể vận chuyển được khoảng 35 thùng hàng, tối đa 50 thùng”, ông Panusak Saipanich, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan, nhận định.

“Điều này giúp giải quyết rất nhiều vấn đề trong ngành xuất khẩu. Nếu thương vụ vận chuyển bằng đường sắt thành công, chúng ta sẽ không chứng kiến tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu”, ông này nói.

Hiện Thái Lan chỉ sử dụng đường sắt cao tốc để vận chuyển cao su, sắn và hàng hóa liên quan đến quặng, không bao gồm trái cây.

“Chúng tôi đang đợi xem liệu phía Trung Quốc sẽ chấp thuận kịp thời phương án vận chuyển này cho mùa vụ năm nay hay không”, ông Panusak cho biết. “Bất kỳ sự cố nào xảy ra tại các cửa khẩu biên giới cũng sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng và điều này rất đáng lo ngại”.

Hương Vũ (Theo CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thai-lan-lo-sau-rieng-bi-mac-ket-o-cua-khau-trung-quoc-post182427.html