Thái Lan mong có thêm kết nối đường bộ với Việt Nam để kích cầu du lịch

Theo Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, rất nhiều người Thái Lan đặc biệt là những đồng bào Việt nam sống tại khu vực Đông Bắc (Thái Lan) mong muốn hai bên tăng cường kết nối đường bộ để dễ dàng tới miền Trung du lịch biển.

Nhiều dư địa hợp tác đầu tư hạ tầng giao thông với Thái Lan

Chia sẻ bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa qua, các Đại sứ Việt Nam tại nước ngoài đã hé mở rất nhiều cơ hội hợp tác về giao thông giữa các nước như Thái Lan, Singapore với Việt Nam.

Nói về hợp tác đầu tư giữa Thái Lan - Việt Nam về hạ tầng giao thông, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành cho biết, hiện nay hợp tác về hàng không giữa hai bên tương đối tốt. Mỗi một tuần, giữa Việt Nam và Thái Lan có khoảng 270 chuyến bay. Nhưng kết nối giao thông đường bộ vẫn còn hạn chế.

"Thực tế quy mô hợp tác đầu tư của Thái Lan - Việt Nam chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng phát triển hạ tầng của hai nước" – ông Thành nhận định.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành.

Do đó, theo ông, hai bên đang bàn bạc để đẩy mạnh kết nối giao thông giữa hai nước, nhất là giao thông đường bộ.

Đại sứ giải thích thêm, hiện nay, nếu đi từ Thái Lan sang Việt Nam, tuy khoảng cách địa lý không lớn, khoảng 300-400 km nhưng do chất lượng các tuyến đường kết nối thông qua tuyến đường số 8, số 9, số 12 còn tương đối khó khăn, thời gian di chuyển rất dài.

Do đó, Việt Nam, Thái Lan và các đối tác khác như Lào, Campuchia mong muốn xây dựng những tuyến đường chất lượng cao hơn để kết nối giao thông giữa 4 quốc gia.

Thông qua kết nối giao thông này sẽ thúc đẩy đầu tư thương mại, đặc biệt là du lịch và giao lưu nhân dân.

"Rất nhiều người Thái Lan, đặc biệt là những đồng bào ta sống tại khu vực Đông Bắc Thái Lan - vùng không tiếp giáp với biển - muốn đi du lịch Việt Nam thông qua đường bộ.

Do đó, họ muốn có tuyến đường bộ kết nối từ Đông Bắc Thái Lan đến miền Trung Việt Nam để có điều kiện du lịch biển thuận lợi hơn" - Đại sứ Thành nói.

Về đường thủy, ông Thành cho biết, chúng ta đang có kế hoạch làm một tuyến đường giao thông ven biển nối ba nước Việt Nam - Campuchia - Thái Lan.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã chuẩn bị để mời các đối tác Thái Lan và Campuchia sang Việt Nam bàn về thỏa thuận kết nối giao thông ven biển ba bên.

Singapore chờ Luật Đất đai (sửa đổi) để đầu tư logistics xung quanh đường sắt

Cũng bên hành lang hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng hé mở Singapore có rất nhiều kinh nghiệm về logistics.

Hiện đã có dự án Siêu cảng - Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc rất lớn giữa T&T và YCH (Singapore) ở Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD, đến nay đã xong giai đoạn 1.

Theo Đại sứ Dũng, tiềm năng logistics của Việt Nam vô cùng lớn và quốc đảo sư tử cũng mong muốn mở thêm một dự án logistics lớn ở Vĩnh Long.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng.

Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng.

Tháng 7 vừa qua, Đại sứ quán đã làm cầu nối giới thiệu công ty PSA – đơn vị quản lý cảng của Singapore để tham gia vào lĩnh vực logistics liên quan tới dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam mà Việt Nam đang lên kế hoạch triển khai.

Phía PSA nhận thấy, khi có đường sắt tốc độ cao, Việt Nam cần hạ tầng logistics rất lớn và Singapore mong muốn giúp Việt Nam xây dựng.

Trong khi đó, Singapore có tiềm lực và kinh nghiệm rất mạnh về logistics, đặc biệt là tự động hóa trong lĩnh vực này.

Để Việt Nam có thể đón đầu tư từ các doanh nghiệp Singapore trong lĩnh vực logistics, theo Đại sứ Dũng,cần phải làm rõ nhu cầu đồng thời cần cơ chế, chính sách để đảm bảo hai bên cùng có lợi.

Logistics cần rất nhiều đất đai để làm kho bãi do đó, các đối tác tiềm năng ở Singapore đang chờ đợi Việt Nam thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để có hướng đầu tư.

Xây dựng văn hóa đạp xe tại Việt Nam tương tự Hà Lan

Còn với Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Hướng Nam, chia sẻ bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, ông nhắc lại kỷ niệm đạp xe giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua và khẳng định đây có thể là động lực để khuyến khích nhiều người Việt Nam yêu thích đạp xe hơn.

Ông nhớ: "Tôi là người đạp xe ngay sau hai Thủ tướng. Đó là một sự kiện rất có ý nghĩa khi truyền thống văn hóa của người Hà Lan đã được thể hiện trên đường phố Việt Nam".

Theo Đại sứ, Hà Lan là Vương quốc của xe đạp, số lượng xe đạp nhiều gấp 2-3 lần dân số của Hà Lan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte đạp xe tham quan không gian văn hóa phố phường và thưởng lãm sắc thu Hà Nội (Ảnh: Tạ Hải).

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte đạp xe tham quan không gian văn hóa phố phường và thưởng lãm sắc thu Hà Nội (Ảnh: Tạ Hải).

Đất nước này cũng xây dựng một hệ thống giao thông dành riêng cho xe đạp rất khoa học. Người Hà Lan rất chịu khó đạp xe đạp, bất kể thời tiết mưa nhiều hay gió lạnh. Phương tiện hai bánh này giúp họ giải quyết được vấn đề giao thông, làm xanh hóa là giao thông.

Mật độ dân số Hà Lan gần gấp đôi Việt Nam, nhưng khi ra đường, người ta có cảm giác rất ung dung, thoải mái. Bên cạnh đó, việc sử dụng xe đạp còn rất có lợi cho sức khỏe.

Do đó, nếu di chuyển trong vòng 5km, người Hà Lan sẽ đi xe đạp, quá 5km mới đi tàu.

Theo ông Ngô Hướng Nam, Việt Nam cũng có thể xây dựng được một nét văn hóa như vậy.

Nhưng để làm được điều đó, cần phải tạo được hệ sinh thái phù hợp chẳng hạn cần xây dựng hạ tầng đường sá để mọi người an tâm đạp xe thoải mái và thay đổi nhận thức người dân giúp họ hiểu đi xe đạp mang lại nhiều lợi ích hơn đi xe máy.

"Đó là một chặng đường dài mà người Hà Lan đã tiến xa hơn chúng ta rất nhiều" - Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nói.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thai-lan-mong-co-them-ket-noi-duong-bo-voi-viet-nam-de-kich-cau-du-lich-19223122321595248.htm