Thái Lan nghiên cứu phát triển vaccine ngừa Covid-19 dạng xịt mũi
Các nhà virus học thuộc Trung tâm Kỹ thuật Gene và Công nghệ sinh học quốc gia (BIOTEC) Thái Lan đang phát triển hai loại vaccine dạng xịt mũi và ống hít, với hy vọng sẽ bổ sung thêm một tùy chọn trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Thai PBS, tiến sĩ Anan Jongkaewwattana, một nhà khoa học của BIOTEC cho biết phần lớn các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện nay đều được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm bắp tay, để kích thích kháng thể trong máu.
Tuy nhiên, khi sử dụng biện pháp này, lượng kháng thể ở đường mũi lại không đủ để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể bởi Covid-19 lây nhiễm qua hệ thống hô hấp.
Loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, dạng ống hít, được phát triển tại BIOTEC là vaccine dạng Adenovirus. Các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm đưa vaccine này vào cơ thể những con chuột qua hai đường tiêm và hít qua mũi. Kết quả cho thấy những con chuột này đều khoong bị chết hay bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, những con được tiêm vaccine xuất hiện triệu chứng giảm trọng lượng đáng kể trong khi những con sử dụng vaccine qua đường mũi vẫn ăn uống tốt và giữ trọng lượng ổn định. Tiến sĩ Anan nói thêm rằng các nhà khoa học hiện đang tiến hành bước xem xét lượng virus trong phổi những con chuột thử nghiệm trước khi đề nghị tiến hành cuộc thử nghiệm trên người.
Loại vaccine thứ hai mà BIOTEC đang phát triển sử dụng một virus cúm được làm yếu thông qua việc tách ghép gene và bổ sung các protein RBD, giúp tạo ra kháng thể chống lại Covid-19. Khi sử dụng loại vaccine này, cơ thể người tiêm có thể tạo ra hai loại kháng thể chống được cả Covid-19 và bệnh cúm.
Các thử nghiệm trên chuột của loại vaccine này đã cho thấy nó giúp tạo lượng kháng thể cao, có khả năng kháng được virus lây nhiễm vào phổi.
Tiến sĩ Anan giải thích, vaccine xịt qua đường mũi sẽ giúp sản sinh kháng thể ở lớp niêm mạc mũi, nơi virus bám rễ và từ đó xâm nhập cơ thể. BIOTEC đang nộp đơn đề nghị Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Thái Lan để tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn 1 và giao đoạn hai đối với hai loại vaccine này.
Ý tưởng đưa một loại vaccine vào cơ thể qua đường mũi không phải là mới trên thế giới. Từ năm 2003, một loại vaccine ngừa cúm dạng xịt mũi có tên là FluMist đã được đưa ra thị trường. Trong số khoảng gần 100 loại vaccine ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm hiện nay, chỉ có khoảng bảy loại là áp dụng phương pháp xịt mũi. Tất cả các loại vaccine còn lại đều được đưa vào cơ thể qua đường tiêm bắp tay.