Thái Lan sắp thông qua luật cấm sử dụng cần sa giải trí

Chính phủ mới của Thái Lan đang tiến tới thông qua dự luật nhằm cấm sử dụng cần sa để giải trí, chỉ 18 tháng sau khi nước này trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa cần sa.

Quyết tâm của chính quyền ông Thavisin

Hôm thứ Ba (ngày 9/1), Bộ Y tế Thái Lan công bố một dự thảo luật nêu rõ các khoản tiền phạt nặng hoặc án tù lên tới một năm đối với người phạm tội. Dự luật nêu rõ, cần sa và các sản phẩm liên quan đến cần sa sẽ chỉ được giới hạn cho mục đích y tế và sức khỏe, tương tự cam kết của tân Thủ tướng Srettha Thavisin vào tháng 9 rằng chính quyền mới của ông sẽ sửa đổi luật về cần sa trong vòng 6 tháng tới.

 Cần sa mới thu hoạch được treo lên để phơi khô tại Trio Herbal Farms ở Kanchanaburi, Thái Lan. Ảnh: Getty

Cần sa mới thu hoạch được treo lên để phơi khô tại Trio Herbal Farms ở Kanchanaburi, Thái Lan. Ảnh: Getty

Trước đây, khi luật pháp dành cho cây cần sa được nới lỏng, Thái Lan đã phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp cần sa, tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế cho người dân địa phương cũng như phục vụ nhu cầu bùng nổ của khách du lịch nước ngoài đến nước này. Tuy nhiên, chính phủ liên minh bảo thủ mới lên nắm quyền vào cuối năm 2023 đã cam kết thắt chặt các quy tắc về loại cây này và chỉ cho phép sử dụng trong y tế.

Theo luật mới được đề xuất, hút cần sa ở nơi công cộng vẫn là bất hợp pháp. Ngoài ra, các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị cho các sản phẩm cần sa như nụ, chiết xuất,... cũng bị cấm.

Một dự luật trước đó đã không giành được sự chấp thuận của Quốc hội Thái Lan vào tháng 11/2023. Ông Thavisin đã lên tiếng về việc cấm cần sa cho mục đích giải trí và tuyên bố rằng lạm dụng ma túy đang là một vấn đề lớn đối với Thái Lan.

Thái Lan sẽ không còn là "thiên đường cần sa"

Kể từ năm 2018, Thái Lan đã hợp pháp cần sa cho hoạt động y tế. Đến năm 2022, nước này trở thành quốc gia châu Á đầu tiên hợp pháp hóa cần sa cho mục đích giải trí. Động thái này khiến hoạt động trồng và buôn bán cần sa cũng như các sản phẩm từ cây gai dầu tại đây không còn là hoạt động phạm pháp.

 Một quầy bán cần sa ở Pattaya, Thái Lan. Ảnh: Bloomberg

Một quầy bán cần sa ở Pattaya, Thái Lan. Ảnh: Bloomberg

Động thái này được đánh giá là hiếm thấy trong một châu lục nơi nhiều quốc gia đưa ra án tù dài hạn, thậm chí là tử hình đối với những người bị cáo buộc tàng trữ, tiêu thụ hoặc mua bán cần sa. Chẳng hạn như ở Hồng Kông, ngay cả dầu cần sa không có tác dụng thần kinh (CBD) cũng bị cấm, hay Singapore áp dụng mức án tử hình đối với tội buôn bán ma túy.

Kể từ đó, hàng nghìn cơ sở phân phối cần sa đã mọc lên trên khắp Thái Lan, cũng như các cơ sở kinh doanh theo chủ đề cần sa (quán cà phê cần sa, spa gai dầu và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp). Các thành phố như Chiang Mai và thủ đô Bangkok thậm chí còn tổ chức lễ hội cần sa. Việc hợp pháp hóa loại cây này đã trở thành một điểm thu hút lớn đối với khách du lịch.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul từng nói rằng mục đích của họ vẫn là không bao giờ cho phép người Thái và khách du lịch “hút cỏ” để giải trí ở nơi công cộng.

“Thái Lan sẽ thúc đẩy các chính sách cần sa cho mục đích y tế. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ đến việc ủng hộ mọi người sử dụng cần sa để giải trí, hoặc sử dụng nó theo cách có thể gây khó chịu cho người khác”, ông Anutin nói. “Chúng tôi luôn nhấn mạnh việc sử dụng chiết xuất cần sa và nguyên liệu thô cho mục đích y tế và sức khỏe”.

Hoài Phương (theo CNN)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thai-lan-sap-thong-qua-luat-cam-su-dung-can-sa-giai-tri-post280544.html