Thái Lan tăng cường giám sát biên giới với Myanmar

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Bộ Nội vụ Thái Lan ngày 28/8 yêu cầu 10 tỉnh sát biên giới Myanmar thắt chặt giám sát vì số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia láng giềng này ngày càng tăng.

Lực lượng biên phòng Thái Lan kiểm tra thân nhiệt người dân tại trạm kiểm soát ở tỉnh Narathiwat, giáp giới với Malaysia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Lực lượng biên phòng Thái Lan kiểm tra thân nhiệt người dân tại trạm kiểm soát ở tỉnh Narathiwat, giáp giới với Malaysia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Thư ký thường trực Bộ Nội vụ Chatchai Promlert đã đề nghị các tỉnh trưởng và các cơ quan hành chính địa phương phải đặc biệt theo dõi tình trạng nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan đã báo cáo đợt bùng phát COVID-19 thứ hai ở Myanmar. Kể từ ngày 16/8, đã có 580 ca mắc mới, hầu hết ở Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine (miền Bắc), dẫn đến việc phong tỏa kể từ ngày 20/8.

Thư ký thường trực Bộ Nội vụ Chatchai đã nhấn mạnh về việc giám sát tại các khu vực biên giới của 10 tỉnh: Kanchanaburi, Chumphon, Chiang Rai, Chiang Mai, Tak, Prachuap Khiri Khan, Phetchaburi, Mae Hong Son, Ranong và Ratchaburi, khi cần thiết. Ông kêu gọi các quan chức tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp phòng chống dịch của CCSA.

Cùng ngày, Phó Tư lệnh Lục quân Natthapon Nakpanich, Chủ tịch Ủy ban CCSA về việc nới lỏng những hạn chế COVID-19, cho biết người nước ngoài cư trú dài hạn và người nước ngoài thường trú tại Thái Lan bị mắc kẹt ở nước ngoài sẽ được ưu tiên khi tìm cách quay trở lại Thái Lan.

Theo ông Natthapon, ủy ban sẽ đề nghị CCSA cho phép 2 nhóm người nước ngoài này quay lại Thái Lan vì họ có sức mua cao, song vẫn sẽ yêu cầu họ cách ly 14 ngày. Có khoảng 100 người thuộc diện nói trên đã sẵn sàng trở lại Thái Lan và sẵn sàng tuân theo các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Trong khi đó, Thái Lan và Singapore đã thảo luận về khả năng mở cửa lại hoạt động đi lại cho các doanh nghiệp khi hai bên mở cửa. Bộ Ngoại giao Singapore cho biết vấn đề nới lỏng đi lại đối với lĩnh vực kinh doanh đã được thảo luận trong một cuộc họp trực tuyến giữa Thư ký thường trực Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Busaya Mathelin và đối tác Singapore là Chee Wee Kiong hôm 26/8.

Đến nay, Thái Lan đã trải qua 95 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng và tổng số ca nhiễm được xác nhận là 3.410 ca, trong đó có 58 ca tử vong.

* Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản cho biết từ tháng 9 tới, sẽ dỡ bỏ hạn chế tái nhập cảnh đối với người nước ngoài. Đây là sự thay đổi trong chiến lược đối phó dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản sau khi bị cộng đồng người nước ngoài ở Nhật Bản chỉ trích mạnh mẽ.

Theo quy định mới, người nước ngoài trở lại Nhật Bản cần phải thực hiện các xét nghiệm PCR trước khi lên đường và phải có kết quả âm tính mới được nhập cảnh. Khi đã ở Nhật Bản, họ còn phải thực hiện xét nghiệm PCR lần hai và phải có kết quả âm tính. Nếu kết quả dương tính, người đó sẽ buộc phải rời khỏi Nhật Bản. Nếu được phép nhập cảnh, họ cũng vẫn phải tự cánh ly 2 tuần để theo dõi sức khỏe và phải hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông công cộng trong thời gian này.

Từ nay cho tới khi quy định mới có hiệu lực, Nhật Bản sẽ tiếp tục từ chối nhập cảnh đối với tất cả công dân nước ngoài từng đến một trong 146 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và tất cả các nước châu Âu.

Ngày 30/8 tới, Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ bổ sung 13 quốc gia gồm Bhutan, Trinidad và Tobago, Belize, Ethiopia, Gambia, Zambia, Zimbabwe, Tunisia, Nigeria, Malawi, Nam Sudan, Rwanda và Lesotho vào trong danh sánh này.

Ngọc Quang - Bích Liên (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thai-lan-tang-cuong-giam-sat-bien-gioi-voi-myanmar-20200828171944939.htm