Thái Lan thành lập trung tâm chuyên trách điều hành phục hồi kinh tế
Nội các Thái Lan ngày 13/8 đã nhất trí thành lập một trung tâm chuyên trách xử lý việc phục hồi kinh tế đất nước do cuộc khủng hoảng COVID-19.
Trung tâm Xử lý Tình hình Kinh tế, do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng đầu, có nhiệm vụ tương tự như Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) được thành lập khi đại dịch bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) sẽ là Thư ký của trung tâm.
Trung tâm chuyên trách điều hành phục hồi kinh tế nói trên sẽ bao gồm 22 ủy ban với sự tham gia của tất cả các bộ trưởng phụ trách những lĩnh vực liên quan đến kinh tế, các bộ Nội vụ và Lao động, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) và người đứng đầu của 3 tổ chức thuộc khu vực tư nhân. Theo Thủ tướng Prayut, đại dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho hầu hết các khu vực, không chỉ xuất khẩu và du lịch, hai ngành đóng góp lớn cho nền kinh tế, mà cả việc làm trong nước và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thậm chí còn tồi tệ hơn, du khách nước ngoài đến Thái Lan năm nay có thể giảm xuống chỉ còn 2-3 triệu lượt so với mức 40 triệu lượt của năm trước. Phó Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek cho biết trung tâm sẽ đảm nhận việc đề xuất các giải pháp kinh tế để xử lý những vấn đề kinh tế và giám sát những nỗ lực phục hồi kinh tế của Chính phủ. Ngoài trung tâm nói trên, Nội các Thái Lan cũng đã thông qua việc thành lập một ủy ban để thúc đẩy quản lý kinh tế. Ủy ban này sẽ do cố vấn của Thủ tướng Prayut, cựu Thứ trưởng Giao thông Pailin Chuchotthaworn, đứng đầu. Cũng trong ngày 13/8, Thủ tướng Prayut đã kêu gọi người dân Thái Lan không chấp nhận chính trị thù hận và chia rẽ, đồng thời phối hợp cùng nhau để giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cả nước. Lần đầu tiên kể từ năm 2014, kinh tế Thái Lan trong quý I/2020 đã giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,2% so với quý trước sau khi điều chỉnh yếu tố thời vụ. BoT ước tính nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này có thể sẽ giảm kỷ lục 13% trong quý II/2020 khi hoạt động kinh tế bị đình trệ do các biện pháp phong tỏa để phòng chống đại dịch COVID-19. Sự sụt giảm theo dự tính này sẽ là con số tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ kể từ sau mức giảm 12,5% được ghi nhận trong quý II/1998 do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tháng 4/2020, Nội các Thái Lan đã thông qua một sắc lệnh Hoàng gia để vay 1.000 tỷ baht (hơn 32 tỷ USD), trong đó 600 tỷ baht sẽ được phân bổ cho hỗ trợ tài chính và các kế hoạch liên quan đến sức khỏe đối với những người có công việc và doanh nghiệp bị đình trệ trong thời gian bùng phát dịch bệnh. Số tiền còn lại 400 tỷ baht dành cho phục hồi kinh tế và xã hội thông qua các dự án nhằm tạo việc làm, củng cố cộng đồng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan Kalin Sarasin, khu vực tư nhân dự kiến sẽ đề xuất những biện pháp khẩn cấp bao gồm kích thích kinh tế, giảm chênh lệch thu nhập, hạn chế thất nghiệp, kích thích du lịch trong nước và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại cuộc họp đầu tiên của trung tâm điều hành tình hình kinh tế dự kiến vào 19/8./.