Thái Lan trở thành 'chiến trường' cho ôtô Nhật và Trung Quốc
Trong khi các hãng xe điện Trung Quốc đang bành trướng thế lực tại Thái Lan nhờ những ưu đãi đặc biệt, nhiều nhà máy ôtô Nhật Bản thông báo kế hoạch đóng cửa.
Xe điện đang trở thành làn sóng mới ở thị trường ôtô quốc tế, trong đó Thái Lan là mảnh đất vàng cho các nhà sản xuất. Thế nhưng việc nhanh chóng “phủi tay” với xe động cơ đốt trong và đẩy mạnh xe điện đã tạo ra một cuộc chiến tranh giữa các hãng xe Trung Quốc và Nhật Bản, vốn đứng ở 2 chiến tuyến trong ngành công nghiệp ôtô.
Ưu ái rõ rệt cho xe điện
Từ năm 2020, Thái Lan đã thể hiện rõ quyết tâm với ôtô điện. Thậm chí từ tháng 3/2021, Chính phủ xứ chùa vàng cũng công bố mục tiêu rõ rệt trong việc biến Thái Lan trở thành công xưởng EV toàn cầu.
Theo mục tiêu được công bố vào năm 2021, sản lượng xe điện tại Thái Lan dự kiến đạt khoảng 1,055 triệu chiếc vào năm 2025. Đến năm 2035, quốc gia này sẽ loại bỏ ôtô động cơ đốt và chuyển hoàn toàn sang phương tiện không phát khí thải.
Để nhanh chóng đạt được kế hoạch trên, Thái Lan đã liên tục triển khai các chính sách ưu đãi, có lợi cho các hãng xe điện nhằm thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc, vốn được cho là thủ phủ của EV trên thế giới.
Vào năm 2021, ông Kawin Thangsupanich - cố vấn của ủy ban chính sách quốc gia thuộc Bộ Năng lượng Thái Lan - chia sẻ với truyền thông địa phương về các chính sách ưu đãi cho xe điện tại Thái Lan.
Cụ thể, quốc gia này đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, khuyến khích người tiêu dùng mua xe điện đồng thời tung ra các ưu đãi về thuế để hỗ trợ các hãng xe điện Trung Quốc.
Trước đây, thuế tiêu thụ đặc biệt cho các xe điện ở thị trường Thái Lan dao động 10%, nay đã được giảm còn 2%. Ngoài ưu đãi thuế nhập khẩu, Chính phủ quốc gia này cũng triển khai chương trình trợ giá dao động 70.000-150.000 Baht, tương đương 2.000-5.000 USD đối với khách hàng mua xe điện. Tổng khoản tài trợ trị giá 40 tỷ Baht và được diễn ra liên tục trong giai đoạn 2023-2025.
Đầu năm 2023, chính phủ Thái Lan cũng quyết định miễn thuế nhập khẩu cho 9 danh sách phụ tùng và linh kiện lắp ráp xe điện. Theo phát biểu của ông Anucha Burapachaisri, đại diện phát ngôn chính quyền Thái Lan, gói ưu đãi này nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất xe điện, góp phần giảm chi phí, từ đó đưa giá thành ôtô điện dễ tiếp cận hơn với người dùng tại quốc gia này.
Ngành công nghiệp sản xuất pin xe điện cũng được hưởng lợi từ chính sách trên khi Thái Lan đã cam kết trợ cấp 24 tỷ Baht cho việc phát triển và sản xuất pin Lithium-ion. Áp lực pháp lý của các công ty nghiên cứu, phát triển pin xe điện cũng được giảm về mức tối thiểu khi chính phủ nước này đã sửa đổi hàng loạt quy định, cho phép các công ty tư nhân tham gia nghiên cứu, “săn lùng” Lithium tại Thái Lan.
Xe điện Trung Quốc thống trị Thái Lan
Những “ưu ái” của Thái Lan dành cho xe điện đã thật sự mang về cho quốc gia này các khoản đầu tư khổng lồ từ ông lớn ngành EV Trung Quốc. Cụ thể từ năm 2020, BYD hay Great Wall Motor đã đổ khoảng 1,44 tỷ USD vào Thái Lan, bành trướng “thế lực” của mình bằng các nhà máy, showroom xe điện khắp xứ sở chùa vàng.
Không còn áp lực pháp lý, chi phí sản xuất giảm nhờ ưu đãi, những mẫu xe điện Trung Quốc xuất hiện tại Thái Lan ngày một nhiều. Trong năm 2022, xe điện chỉ chiếm khoảng 1% doanh số nhưng đã nhanh chóng tăng lên hơn 6% nửa đầu năm 2023.
Tính đến hết năm 2023, doanh số xe điện tại Thái Lan đạt 76.000 chiếc, chiếm hơn 12% tổng lượng ôtô bán ra thị trường. Nếu làm một phép tính nhẩm, lượng xe điện bán ra tại Thái Lan trong năm 2023 đã tăng gấp 7,8 lần so với kỳ báo cáo trước đó.
Doanh số của nhóm ôtô năng lượng mới tại xứ chùa vàng trong quý một năm nay cũng tăng 14%, đưa Thái Lan trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về xe điện. Trong đó, theo Autolife Thái Lan, lượng xe Trung Quốc chiếm hơn 80% doanh số, trong khi các thương hiệu Nhật Bản chiếm dưới 1%.
Năm 2023, MG khai trương nhà máy sản xuất pin xe điện đầu tiên của hãng tại Thái Lan. Nhà máy có sản lượng đủ cung cấp khoảng 100.000 xe/năm bao gồm ôtô thuần điện và hybrid.
Tháng một, Great Wall Motor bắt đầu sản xuất xe điện tại xứ chùa vàng. Nhà máy này từng thuộc về Chevrolet và được GWM mua lại, mất 7 tháng để tu sửa và nâng cấp trước khi đưa vào hoạt động.
Ngày 4/7, nhà máy sản xuất xe điện của BYD đã mở cửa tại Thái Lan, đây cũng là nhà máy đầu tiên của hãng xe Trung Quốc tại Đông Nam Á. Thương hiệu này cũng là cái tên dẫn đầu thị trường xe điện tại Thái khi chiếm hơn 46% thị phần trong quý I năm nay.
Gần nhất vào ngày 17/7, GAC mở cửa nhà máy thương hiệu Aion tại Thái Lan. Nhà máy dự kiến có khả năng xuất xưởng khoảng 50.000 xe/năm.
Hãng xe Nhật Bản liên minh “quay xe”
Xe điện được trợ giá khiến các hãng xe điện Trung Quốc thống trị thị trường Thái Lan. Ở chiều ngược lại, các hãng xe Nhật Bản vốn chưa mặn mà với xe điện gặp phải tác động tiêu cực.
Các thương hiệu ôtô từ đất nước mặt trời mọc như Honda, Mitsubishi hay Subaru từng là “ông lớn” nuôi lấy ngành công nghiệp ôtô Thái, vốn đóng góp hơn 11% GDP quốc gia này, đều không sản xuất xe điện tại Thái Lan.
Tuy nhiên trước sức ép của xe điện Trung Quốc và sự ủng hộ "quá đà" của Chính phủ Thái Lan, hàng loạt thương hiệu Nhật Bản đã lên kế hoạch cắt giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa nhà máy.
Cuối tháng 5, Subaru lên kế hoạch giảm dần sản lượng ôtô tại nhà máy Thái Lan sau đó ngừng hẳn hoạt động lắp ráp xe tại quốc gia này. Toàn bộ ôtô của thương hiệu sẽ được chuyển sang nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản.
Bước sang tháng 6, Suzuki thông báo kế hoạch dừng sản xuất ôtô tại xứ sở chùa vàng. Theo Bangkok Post, hãng này sẽ bắt đầu duy trì kinh doanh bằng hình thức nhập khẩu xe. Nhà máy khi đóng cửa sẽ khiến thị trường Thái mất đi khoảng 50.000 ôtô/năm, bao gồm cả xe hybrid và thuần điện từ Suzuki.
Cuối tháng 6, Honda thông báo dừng sản xuất ôtô tại nhà máy Ayutthaya, hợp nhất vào dây chuyền tại tỉnh Prachinburi từ năm 2025. Hãng xe này cũng lên kế hoạch cắt giảm sản lượng từ 270.000 chiếc/năm xuống còn 120.000 chiếc/năm.
Động thái “nắm tay” đóng cửa nhà máy của các hãng xe Nhật Bản đã khiến các công ty sản xuất phụ tùng, linh kiện ôtô địa phương rơi vào khủng hoảng. Ví dụ 2 nhà máy sản xuất linh kiện của Techno-Mental, công ty sản xuất khung gầm cho Toyota và Mitsubishi đã giảm 40% công suất và cắt giảm 25% lực lượng lao động do thiếu đơn hàng.
Doanh số phụ tùng tại Thái Lan trong năm nay dự kiến đạt 519 tỷ Baht, tương đương 15,68 tỷ USD. Con số này thấp hơn gần 13% so với năm 2023. Theo Reuters, hàng loạt nhà máy, công ty sản xuất phụ tùng, linh kiện xe chạy xăng tại xứ chùa vàng đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Kết quả này được xem là “trả đũa” của các hãng xe Nhật Bản trước sự thiên vị của Chính phủ Thái Lan.
Thế khó cho Thái Lan
Thái Lan đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Hàng loạt ưu đãi cho các nhà sản xuất xe điện và người mua xe điện khiến đất nước này phải chi tiêu lớn và đồng thời mất đi nguồn thu từ thuế.
Với việc các hãng xe Nhật Bản có động thái rất rõ ràng và quyết liệt, Thái Lan còn phải chịu thêm sức ép từ số người thất nghiệp tăng, mất thêm nguồn thu rất lớn. Việc phát triển xe điện ồ ạt cũng khiến giá xe giảm quá mạnh làm mất cân bằng trên thị trường, đồng thời hệ thống hạ tầng cho xe điện cũng khó theo kịp.
Nếu tình trạng này tiếp diễn, Thái Lan sẽ đứng trước nguy cơ mất đi vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu ôtô, đưa nó vào tay một số thị trường kề cận như Indonesia, Malaysia, Philippines và có thể là cả Việt Nam.
Trước tình thế trên, chính phủ Thái Lan có thể sẽ đưa ra các chính sách nhằm “xoa dịu” các hãng xe Nhật Bản như tăng hỗ trợ cho nhóm xe hybrid hoặc giảm hỗ trợ đặc quyền dành cho xe điện.
Nếu không, tương lai của ngành công nghiệp ôtô Thái có thể sẽ còn đen tối hơn khi hàng loạt thương hiệu Nhật Bản rủ nhau rút khỏi thị trường.