Thái Lan trong ngày bầu cử
Ngày 14/5, hơn 52 triệu cử tri Thái Lan đã đến 400 khu vực bầu cử để tham gia cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội mới. Cuộc tổng tuyển cử lần này có hơn 6.000 ứng cử viên tranh 500 ghế trong Hạ viện của Quốc hội.
Theo Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan (EC), có 70 đảng đăng ký 4.781 ứng cử viên tranh cử theo khu vực bầu cử; trong đó 43 đảng đăng ký 63 ứng cử viên cho chức Thủ tướng. Thủ đô Bangkok có số lượng ứng cử viên đăng ký tranh cử theo khu vực bầu cử đông nhất, 498 ứng cử viên sẽ cạnh tranh để bầu chọn 33 ghế Hạ nghị sỹ.
Giới quan sát cho rằng cuộc tổng tuyển cử lần này ở Thái Lan về cơ bản là cuộc chạy đua của 6 đảng lớn, gồm: đảng Vì nước Thái, đảng Quốc gia Thái thống nhất, đảng Dân chủ, đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân, đảng Tự hào Thái và đảng Tiến bước. Trong khi đó, theo Hiến pháp Thái Lan thì một đảng hoặc một nhóm đảng cần phải giành được ít nhất 251 trong số 500 ghế Hạ viện để thành lập Chính phủ. Ứng cử viên Thủ tướng phải giành được tối thiểu 376 phiếu tại hai viện của Quốc hội.
Trong danh sách ứng viên Thủ tướng sáng giá có đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha (sinh năm 1954). Trong khi đó, bà Paetongtarn Shinawatra (36 tuổi), con gái út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là 1 trong 3 ứng viên Thủ tướng của Đảng Vì nước Thái. Ứng viên đảng Tiến bước là ông Pita Limjaroenrat (42 tuổi).
Tham gia cuộc đua cho ghế Thủ tướng còn có một số tên tuổi đáng chú ý khác như: Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan, Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, ông Jurin Laksanawisit (ứng viên đảng Dân chủ)...
Theo EC, tỉ lệ cử tri bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần này có thể đạt 85%.
Đây là cuộc tổng tuyển cử thứ hai kể từ năm 2014. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh kinh tế Thái Lan được dự báo tiếp tục tăng trưởng chậm, tỷ lệ lạm phát cao đe dọa triển vọng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Cũng vì vậy mà các chiến dịch vận động tranh cử của mỗi đảng đều tập trung vào nỗi lo “cơm áo gạo tiền” của người dân Thái Lan, như tăng lương tối thiểu, tăng lương hưu, giãn nợ, trợ giá nông sản...
Vì thế, lá phiếu của hàng chục triệu cử tri xứ Chùa Vàng không chỉ là thước đo tín nhiệm mà còn đặt ra trách nhiệm nặng nề đối với các đảng nói chung và chính phủ mới nói riêng.
Trước cuộc bầu cử, Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha cam kết tiếp tục đầu tư vào Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) và các lĩnh vực mới như xe điện, thiết bị điện tử thông minh, trung tâm dữ liệu, dịch vụ đám mây…, đồng thời nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài vào các công nghệ mới; cam kết có những giải pháp cải thiện đời sống người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Còn đảng Vì nước Thái khẳng định sẽ hỗ trợ nhà đầu tư về nhiều mặt, như luật pháp, lao động, thuế…, cũng như hứa hẹn giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cạnh tranh tốt hơn với các công ty lớn. Với đảng Tiến bước, tuyên bố sẽ nỗ lực thúc đẩy những cải cách mạnh mẽ, táo bạo và cho rằng họ đã có 300 chính sách và sẵn sàng thực thi để thay đổi đất nước.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Ủy ban bầu cử quốc gia Sawaeng Boonmee cho biết, Trung tâm điều hành phản ứng và giám sát mối đe dọa an ninh mạng được thành lập để đảm bảo tính minh bạch trong cuộc bầu cử. Ông Sawaeng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ giữ tất cả các lá phiếu an toàn và sẽ không có gian lận phiếu bầu”.
Trước đó, trong cuộc bầu cử sớm (ngày 7/5, với 2,35 triệu cử tri đăng ký tham gia), Ủy ban bầu cử đã nhận một số khiếu nại, trong đó có việc các quan chức tại một điểm bỏ phiếu đã sơ suất đặt mã bưu điện thay vì mã khu vực bầu cử trên khoảng 100 phong bì phiếu bầu.
Để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử ngày 14/5, Trung tướng Jirabhop Bhuridej - Cục trưởng Cục Điều tra trung ương Thái Lan (CIB) đã yêu cầu các cơ quan trực thuộc kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao để ngăn chặn các hành vi gian lận và bạo lực. Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan (RTP) đẩy mạnh nỗ lực trấn áp hoạt động phạm tội, đặc biệt là các hình thức mua phiếu bầu và gian lận trong bầu cử, nhất là ở khu vực miền nam nước này. Thiếu tướng Nithithorn Chintakanon - người phát ngôn Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan kêu gọi người dân thông báo cho cảnh sát về bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào. Còn theo Thiếu tướng Chokchai Ngamwong - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Bangkok, 3.000 cảnh sát đã được triển khai tại tất cả các điểm bỏ phiếu ở thủ đô để đảm bảo an toàn, an ninh cho cuộc bầu cử.
Ngày 14/5, Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức cuộc bầu cử mang tính bước ngoặt, sau 20 năm đất nước này được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan chèo lái. Các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy, cuộc đua giành phiếu bầu của cử tri giữa đương kim Tổng thống Erdogan và đối thủ cánh tả Kemal Kilicdaroglu khá cân bằng. Lạm phát tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao và công tác khắc phục hậu quả của thảm họa động đất là những mối quan tâm chính của 64 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ. 4 ứng viên nổi bật tranh cử ghế Tổng thống gồm: Ông Erdogan, 69 tuổi. Ông Kilicdaroglu, 74 tuổi, chủ tịch của đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) trung tả đối lập chính. Ông Muharrem Ince, 59 tuổi, chủ tịch đảng Tổ quốc, người đã thua trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2018. Sinan Ogan, 55 tuổi, một người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu đại diện cho Liên minh Tổ tiên.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thai-lan-trong-ngay-bau-cu-5717847.html