Thái Lan ưu tiên triển khai Cửa sổ thương mại ASEAN và hoàn tất đàm phán RCEP
Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và triển khai toàn diện Cửa sổ ASEAN (ASW) cho 10 quốc gia thành viên ASEAN vào cuối năm nay.
Đây là những ưu tiên hàng đầu của Bangkok trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) 2019.
Phát biểu trong cuộc họp báo về Cửa sổ thương mại ASEAN diễn ra ngày 10/3 tại tỉnh Songkhla, bà Auramon Supthaweethum, Vụ trưởng Vụ Đàm phán thương mại, Bộ Thương mại Thái Lan, khẳng định: “Hoàn thành đàm phán RCEP vào cuối năm nay là một trong những ưu tiên kinh tế hàng đầu của Bộ Thương mại Thái Lan để đối phó với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới và giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”.
Truyền thông Thái Lan ngày 11/3 cho biết Bà Auramon Supthaweethum nói rằng khi hoàn thành đàm phán, RCEP sẽ trở thành hiệp định thương mại lớn nhất trong lịch sử, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước ASEAN. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của các nước RCEP chiếm tới 28% tổng sản lượng và 30% giá trị thương mại của thế giới.
RCEP có tổng cộng 20 chương, bảy trong số đó đã được hoàn thành vào năm 2018. Thái Lan dự định hoàn thành đàm phán 13 chương còn lại vào năm 2019, bao gồm các nội dung thương mại hàng hóa, dịch vụ, tự do hóa lĩnh vực đầu tư, nguyên tắc xuất xứ, quy định sở hữu trí tuệ và cạnh tranh thương mại điện tử.
Bà Auramnon cho biết: “Năm 2019 sẽ có bốn vòng đàm phán ở cấp bộ trưởng và bốn vòng đàm phán khác ở cấp tổng giám đốc. Chúng tôi sẽ giải quyết các chương dễ hơn trước để đạt được một thỏa thuận. Một trong những chương đó liên quan đến các quy định về cạnh tranh thương mại điện tử. Chương này được đưa vào hiệp định để tăng cường sự thuận tiện trong thương mại điện tử giữa các nước RCEP”.
ASW cũng là một vấn đề ưu tiên của Thái Lan nhằm đảm bảo tất cả 10 nước ASEAN sử dụng cửa sổ thương mại này vào cuối năm nay. ASW sẽ kết nối hệ thống cửa sổ của các nước thành viên ASEAN thông qua hệ thống trao đổi tài liệu thương mại điện tử nhằm đẩy nhanh thủ tục vận tải và thương mại xuyên quốc gia.
Theo đó, ASW được sử dụng để số hóa bản chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, hay gọi là “mẫu D”. Thái Lan, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Indonesia đã triển khai ASW từ đầu năm 2018.
Trước khi được vận hành lần đầu tiên ở năm nước kể trên, hàng hóa được trao đổi giữa các nước phải có một giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ mới nhận được các lợi ích từ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA)./.